Chưa từng có tiền lệ: Pin xe điện Trung Quốc phải đảm bảo an toàn tuyệt đối kể cả khi ‘tự đốt mình’
Một bước ngoặt mang tính cách mạng trong ngành công nghiệp xe điện sẽ chính thức được kích hoạt tại Trung Quốc.
Không còn là những cảnh báo mơ hồ hay phản ứng sau thảm họa, chính phủ nước này quyết định “đặt cược” vào sự an toàn tuyệt đối: pin xe điện bắt buộc không được phát nổ hay bắt lửa trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả khi đã mất kiểm soát nhiệt.
Nếu như trước đây, tiêu chuẩn chỉ yêu cầu hệ thống cảnh báo sớm 5 phút trước khi xảy ra cháy nổ, thì giờ đây, câu chuyện đã hoàn toàn khác. Theo tiêu chuẩn GB38031-2025 do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) ban hành, pin xe điện phải chống cháy nổ tuyệt đối, dù có xảy ra hiện tượng "thermal runaway" (quá trình pin tự tăng nhiệt mất kiểm soát từ bên trong).
Điểm đặc biệt là Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe này ở cấp độ quốc gia, đặt ra một tiền lệ công nghệ và pháp lý mới cho toàn cầu.
Tiêu chuẩn mới không chỉ dừng ở lý thuyết. Một loạt bài kiểm tra "sát hạch" được đưa vào áp dụng, nhằm đảm bảo pin có thể "sống sót" trong các tình huống thực tế nghiêm trọng:
Kiểm tra va chạm từ phía dưới: Đánh giá khả năng bảo vệ của pin khi xe bị tông từ đáy, một kịch bản thường bị bỏ qua nhưng lại rất nguy hiểm.
Thử nghiệm sạc nhanh 300 chu kỳ: Đảm bảo pin không bốc cháy hoặc phát nổ khi tiếp tục bị kiểm tra ngắn mạch sau hàng trăm lần sạc siêu tốc.
Chưa dừng lại ở đó, bất kỳ khói độc nào sinh ra trong quá trình mất kiểm soát nhiệt cũng phải đảm bảo không gây hại cho người ngồi trong xe – một yêu cầu chưa từng có tiền lệ.
Trong khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang "chóng mặt" trước những đòi hỏi mới này, những "ông lớn" như CATL đã nhanh chóng tuyên bố sẵn sàng. Công nghệ No Propagation (NP) của hãng, giúp cô lập sự lan truyền nhiệt, đã có mặt từ năm 2020, sớm hơn cả quy định nhiều năm.
“Chúng tôi tin tiêu chuẩn mới sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ cháy nổ sau va chạm, góp phần bảo vệ sinh mạng người tiêu dùng,” đại diện CATL chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác sâu giữa các nhà sản xuất xe và pin.
Tiêu chuẩn mới chắc chắn sẽ làm tăng chi phí R&D, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng về lâu dài, lợi ích lớn hơn nhiều: từ việc giảm chi phí bảo hiểm, giảm rủi ro pháp lý, cho đến củng cố niềm tin người tiêu dùng.
Sau hàng loạt vụ cháy xe điện gây hoang mang, điển hình là vụ việc liên quan đến chiếc Xiaomi SU7 gần đây, quy định mới được đánh giá là hành động kịp thời để dọn đường cho một thế hệ xe điện an toàn hơn, bền vững hơn.
Với tiêu chuẩn “pin không cháy nổ dù có chuyện gì xảy ra”, Trung Quốc đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: an toàn không phải là lựa chọn, mà là điều bắt buộc. Và trong cuộc đua công nghệ đang bùng nổ từng ngày, điều đó có thể là lợi thế cạnh tranh quyết định – không chỉ cho các nhà sản xuất, mà còn cho cả quốc gia đi đầu về xe điện.