Đời sống

Bí mật lá thư ‘gửi đời sau’ được chôn trong khối bê tông 10 tấn ở Thủy điện Hòa Bình, năm 2100 mới được mở

Bí mật lá thư ‘gửi đời sau’ được chôn trong khối bê tông 10 tấn ở Thủy điện Hòa Bình, năm 2100 mới được mở

Bức thư này được viết từ năm 1983 khi thành lập Thủy điện Hòa Bình và được chôn trong 1 trụ bê tông 10 tấn,  đến nay vẫn là 1 bí mật, phải đến ngày 1/1/2100 mới được mở. 

Tại sân của Nhà truyền thống Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có một khối bê tông hình thang, với tấm biển khắc dòng chữ bằng 2 ngôn ngữ Việt Nam và Nga: " Nơi đây lưu giữ bức thư của những người xây dựng thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau - thư này sẽ được mở vào ngày 1/1/2100". Khu vực này được rào chắn xung quanh cấm du khách đến gần.

tdhoabinh-1558-1805114

Khối trụ chứa bức thư gửi hậu thế.

Theo tài liệu được lưu giữ, lá thư ‘gửi đời sau’ này được đặt vào ngày 30/1/1983. Sự kiện này được diễn ra sau lễ ngăn sông Đà đợt 1 và khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình 18 ngày. Những thông tin về nội dung bức thư này vô cùng ít ỏi, chỉ biết rằng các chuyên gia xây đập của Liên Xô nói rằng thông lệ của Liên Xô và 1 số nước trên thế giới, những người xây đập thủy điện thường viết 1 lá thư và bỏ vào 1 chai thủy tinh và chôn và lòng đập và thường gọi là ‘lá thư gửi hậu thế’. Ý tưởng này được hó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Phó Thủ tướng) cũng là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình ủng hộ cao, nhưng sau khi bàn bạc đã quyết định đặt lá thư vào lòng khối bê tông. Từ đó, bức thư này được ra đời, có ‘bút tích’ của 1 số nhà văn, nhà báo, nhà tri thức…trong đó có cả Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia Liên Xô, đồng chí Giaseplin.

ghfgfg-1555-1804472_11zon

Đập thủy điện Hòa Bình. Ảnh tư liệu.

Ông Đỗ Xuân Duy, nguyên là trợ lý Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Thủy điện Hòa Bình, đồng thời là Trưởng ban Phiên dịch tiếng Nga người đã dịch lá thư từ tiếng Việt sang tiếng Nga đã tiết lộ 1 số thông tin nhỏ nội dung 2 đoạn thư của 1 nhà báo Thép Mới và ông Giaseplin.

Đoạn mở đầu là của nhà báo Thép Mới: "Hôm nay, trước núi Tản, sông Đà, những Sơn Tinh của thời đại mới - những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình Việt Nam và Liên Xô gửi đến các thế hệ trẻ Việt Nam mai sau những dòng tâm huyết...".

Trong khi đó, trong thư của ông Giaseplin có đoạn: "Hòa Bình - tên gọi của công trình là biểu tượng tuyệt đẹp và ước mơ của toàn nhân loại".

Sở dĩ năm 2100 bức thư này mới được mở bởi bức thư có nội dung là “Thư gửi thế hệ đời sau”, khi mở bức thư này ra, có lẽ những người tham gia xây dựng con đập này dường như chẳng còn mấy ai sống sót.

Người gửi bức thư hy vọng hàng trăm năm sau khi đập thủy điện này không thể phát điện được nữa, sẽ phải tu sửa hoặc phá bỏ, lúc này bức thư được mở ra sẽ biết được rằng ngày xưa lớp cha ông đã xây dựng công trình này khó khăn, vất vả ra sao và đã từng gửi gắm hy vọng thế nào.

Cho đến nay, sau 41 năm kể từ khi lá thư này được chôn vào khối trụ bê tông vẫn là bí mật với nhiều người và thu hút sự tò mò của du khách mỗi khi đến đây.