Chân dung AHLLVTND bắt sống tướng địch hung hăng - Đờ Cát, tham gia hơn 100 trận đánh, tên được đặt cho 1 con đường
Ông là 1 trong những chiến sĩ đã bắt sống tướng Đờ Cát, góp phần vào chiến thắng trong trận đánh ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’ của Việt Nam.
Cách đây 70 năm, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm tướng De Castries (Đờ Cát) và người phất lá cờ đó chính là chiến sĩ Tạ Quốc Luật, 1 trong những người trực tiếp bắt sống tướng Đờ Cát, chỉ huy quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ.
Chiến sĩ Tạ Quốc Luật (1925 – 1985) ở Thuỵ Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông là cháu của danh nhân văn hoá Tạ Hiện (Đề Hẹn), một lãnh đạo trong khởi nghĩa chống Pháp, hưởng ứng Chiếu Cần Vương. Anh trai ông là Tạ Bá Khả, là 1 trong những đảng viên tiên phong của xã Thụy Hải từ năm 1928. Chị gái của ông, bà Tạ Thị Cảnh (Tạ Thị Minh Hải), tham gia cách mạng từ năm 1940, hoạt động như một chiến sĩ tình báo trong nội thành Hà Nội, sau năm 1954, bà tiếp tục phục vụ tại Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Ông Tạ Quốc Lệ, em trai sinh đôi của Tạ Quốc Luật, cũng tham gia cách mạng từ năm 1939.
Chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trangNhân dân (AHLLVTND) Tạ Quốc Luật.
Vào ngày 14/8/1945, ông Luật gia nhập Quân Đội Nhân dân Việt Nam, ông được kết nạp vào Đảng 4 năm sau đó vào ngày 6/1/1949. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Tạ Quốc Luật đã tham gia hơn 20 chiến dịch với hơn 100 trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp gồm những trận đánh quan trọng như: Việt Bắc (1947), Sông Thao (1949), Biên Giới (1950), Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung (1951), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954),...
Ông đã góp phần lớn vào sự thất bại của Pháp tại chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’ của nhân dân Việt Nam. Đồng chí Tạ Quốc Luật khi ấy là Đại đội trưởng của Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, và Đại đoàn 312 đã dẫn đầu 1 đội xung kích gồm 5 người xông vào trụ sở chỉ huy của địch để bắt sống tướng Đề Cát và Bộ tham mưu của địch.
Tướng Đờ Cát và cán bộ chỉ huy dưới quyền bị bắt sống.
Trong hồi ký về những tháng ngày lịch sử, Tạ Quốc Luật viết: “Khi chúng tôi vượt qua cầu Mường Thanh thì gặp một tên lính ngụy. Tôi hỏi tên này: Hầm Đờ Cát-xtơ-ri ở đâu? Hắn chưa hết run và chỉ vào căn hầm có nhiều cột ăng-ten nhỏ ở trên nóc. Tôi liền chỉ huy tổ của mình áp sát khu vực hầm và phân công đồng chí Nhỏ dùng thủ pháo ném vào cửa hầm uy hiếp.Số sĩ quan Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm tỏ ra rất mệt mỏi và lo âu. Riêng Đờ Cát-xtơ-ri vẫn đội mũ ca-lô và ngồi cúi mặt xuống bàn. Khi đến gần, tôi hô lớn tiếng Pháp: “Giơ tay lên!”. Sau đó, Đờ Cát-xtơ-ri cầm máy điện thoại ra lệnh cho toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ đầu hàng. Lúc đó là 17h30 ngày 7/5/1954”. Trong cuốn hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng xác nhận, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đã bắt được tướng Đờ Cát-xtơ-ri.
Lá cờ chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm của tướng Đờ Cát.
Vào ngày 19/5/1954, chiến sĩ Tạ Quốc Luật vinh dự khi được giao nhiệm vụ đại diện cho tất cả các chiến sĩ báo cáo thành tích trực tiếp cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Điên Biên Phủ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Tạ Quốc Luật tiếp tục tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh và được giao nhiệm vụ chỉ huy đảm bảo thông tin liên lạc cho chiến dịch.
Với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến lịch sử của dân tộc, đồng chí Tạ Quốc Luật đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: 3 Huân Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, là chiến sĩ thi đua của Đại đoàn 312, nhận được sự khen ngợi từ trung đoàn và đại đoàn đến 16 lần. Vào ngày 16/12/2004, đồng chí được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu cao quý: "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".
Cận cảnh tuyến đường Tạ Quốc Luật ở tỉnh Điện Biên vừa mới được đặt tên.
Để tưởng nhớ và tri ân công lao của anh hùng Tạ Quốc Luật, ngày 6/5 vừa qua, tỉnh Điện Biên đã đặt tên Tạ Quốc Luật cho 1 tuyến đường. Tuyến đường này ngay sát điểm di tích lịch sử hầm Đờ Cát, vừa được tỉnh Điện Biên đầu tư, nâng cấp với chiều dài 1.110m.