Trước tình hình bệnh dịch bạch hầu diễn biến phức tạp tại tỉnh Nghệ An, Bắc Giang, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An và Sở Y tế tỉnh Bắc Giang.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang thông tin, vào chiều ngày 10/7, sau khi phân tích mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh Moong Thị B, 18 tuổi, tạm trú tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định có thêm một ca dương tính với bệnh bạch hầu.
Theo đó, vào tối các ngày 2 - 5/7, bệnh nhân là BHG, 29 tuổi, tạm trú huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã đến quán internet tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa ngồi ăn cơm cùng ca bệnh Moong Thị B.
Điều tra dịch tễ cho thấy từ 23h33 phút ngày 3/7 đến 2h50 phút ngày 4/7, G đến quán karaoke Sông Quê ở xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa hát, uống bia cùng 3 người khách (không rõ danh tính).
Đến ngày 7/7, khi biết Moong Thị B dương tính với bệnh bạch hầu, G đã khai báo dịch tễ tại Trạm Y tế xã Hợp Thịnh rồi về cách ly tại phòng trọ ở thôn Trung Hòa. 2 ngày sau, G có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tuy nhiên, chiều ngày 10/7, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định G dương tính với bệnh bạch hầu. Hiện, bệnh nhân G đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để theo dõi, điều trị.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại tỉnh Nghệ An, Bắc Giang, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế của 2 tình này nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời và giảm tối đa số ca bệnh tử vong.
Cụ thể, công văn Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nêu rõ: “Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ, nghĩ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên để ưu tiên sử dụng sớm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (hội chẩn để sử dụng và được phân bổ huyết thanh) và lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, đồng thời triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị”.
Bên cạnh đó, Cục cũng đề cập việc các sở y tế cần lên kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh bạch hầu.
Đồng thời, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh còn yêu cầu nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh như sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt.
Các sở y tế cũng được yêu cầu triển khai cho người tiếp xúc uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn; tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh; nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.