Khám phá mới

Hoàng tử Việt Nam làm tướng ở Hàn Quốc, thống lĩnh quân đội đánh cho quân Mông Cổ thua tan tác

Hoàng tử Việt Nam làm tướng ở Hàn Quốc, thống lĩnh quân đội đánh cho quân Mông Cổ thua tan tác

Khi lưu lạc đến Hàn Quốc, vị hoàng tử Đại Việt được vua nước bạn trọng dụng nhờ có thực tài. Ông đã vận dụng tài tình binh pháp của người Việt để đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông ở đất nước này.

Trong lịch sử Việt Nam, nhà Trần là một trong những triều đại hùng mạnh nhất về quân sự. Bấy giờ, Việt Nam 3 lần đánh bại quân Mông Nguyên, khí thế chiến đấu dâng cao, tạo nên thứ gọi là “hào khí Đông A”. Nhưng ít ai biết, còn có một mãnh tướng khác của Việt Nam cũng đánh bại quân Nguyên Mông tận 2 lần, chỉ khác là ở đất nước khác – Cao Ly (Hàn Quốc sau này).

Người được nhắc đến là Lý Long Tường (1174 – thế kỷ 13), hoàng tử thứ bảy của vua Lý Anh Tông và Hiền phi Lê Mỹ Nga. Ông từng là Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc hải quân, tước Kiến Bình vương. Lý Long Tường chính là em trai của vua Lý Cao Tông, chú của vua Lý Huệ Tông.

ly-long-tuong-5
Ảnh minh họa: Internet

Là hoàng thân quốc thích quan trọng, có vai vế cao, Lý Long Tường còn nắm trong tay quyền lực lớn. Xưa kia khi còn ở Đại Việt, ông từng nắm hạm đội hải quân nhà Lý (trú đóng ở Đồ Sơn). Nhưng đến năm 1225, Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý, Trần Cảnh được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, nhà Trần chính thức thành lập. Sự kiện này cũng khiến con cháu nhà Lý bị đe dọa tính mạng, phải đi lên vùng núi non hiểm trở phía Bắc ẩn náu.

1 năm sau khi Trần Cảnh lên ngôi, để bảo toàn tính mạng, giữ gìn hương hỏa của tổ tiên, Lý Long Tường đã bí mật về Kinh Bắc, tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, thu gom bài vị, đồ tế khí ở Thái miếu, sau đó quay về Đồ Sơn, căng buồm ra khơi cùng sáu ngàn gia thuộc. Họ qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa, chạy ra Biển Đông với ba hạm đội. Bấy giờ Lý Long Tường đã 52 tuổi, ra đi với tấm lòng luôn hướng về cố hương, lo lắng không biết điều gì đang chờ mình và thân quyến.

1 tháng sau, vì bão lớn mà đoàn thuyền của Lý Long Tường dạt vào đảo Đài Loan. Con trai ông là Lý Long Hiền ốm nặng, đành phải ở lại cùng 200 gia thuộc. Đoàn thuyền đi tiếp thì dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly.

ly-long-tuong-1
Lý Long Tường từ trên núi chỉ huy trận chiến chống quân Mông Cổ. Tranh vẽ của họa sỹ ML

Biết tin hoàng tử Đại Việt cùng đoàn tùy tùng đến lánh nạn, vua Cao Tông của  nước Cao Ly đã ra tiếp đón. Họ giao tiếp bằng chữ Hán nên hiểu được tình cảnh của nhau. Vua Cao Tông đã cấp cho đoàn của Lý Long Tường đất ở Ung Tân để sinh sống. Thế rồi hoàng tử nhà Lý và gia nhân, binh sĩ bắt đầu cuộc sống mới ở xứ người như vậy.

Có truyền thuyết cho rằng vua Cao Tông đã nằm mơ thấy một con chim phượng hoàng bay đến từ phương Nam, đậu ở bờ biển Cao Ly. Tin rằng đây là điềm may, ngụ ý chỉ quý nhân sắp xuất hiện nên trước khi Lý Long Tường đến, vua đã chuẩn bị sẵn để đón tiếp.

Năm 1232, vua Mông Cổ - Oa Khoát Đài tiến đánh Cao Ly. Lý Long Tường là một trong những vị tướng chỉ huy quân đánh lùi quân Mông Cổ ở tỉnh Hoàng Hải. Đến năm 1253, Đại hãn Mông Kha của Mông Cổ xâm lược Cao Ly lần nữa. Lý Long Tường tiếp tục ra trận, dùng binh pháp của Đại Việt để huấn luyện cho dân làng, binh sĩ, chống lại quân Mông Cổ.

Người dân trong vùng gọi Lý Long Tường là Bạch Mã tướng quân vì khi ra trận ông thường cưỡi ngựa trắng. Sau chiến thắng của ông, vua Cao Tông đã phải đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong cho Lý Long Tường làm Hoa Sơn tướng quân. Người dân biết ơn vị hoàng tử người Đại Việt nên năm 1711 còn dựng bia ghi công trạng của ông. Ngày nay di tích này vẫn còn tồn tại.

ly-long-tuong-6
“Thụ hàng môn” - nơi có bia ghi ơn công trạng Lý Long Tường tại Hoa Sơn. Ảnh chụp lại từ “Hoa Sơn Lý thị tộc phổ”

Dù trở thành vị tướng lẫy lừng ở Hàn Quốc nhưng Lý Long Tường vẫn luôn nhớ về quê hương. Ông từng cho xây một ngôi đình kiểu Đại Việt để thờ các vua Lý, mong mọi người có nơi chốn để hoài niệm cố hương. Cuối đời, tương truyền Lý Long Tường thường lên đỉnh núi Quảng Đại, ngồi nhìn về phương Nam.

Mấy trăm năm đã qua, hậu duệ họ Lý ở Hàn Quốc vẫn luôn đau đáu tìm về quê cha đất tổ. Rất nhiều hậu duệ họ Lý ly hương đã tìm về quê cha đất tổ để nhận tổ tiên. Thông tin từ báo Thanh Niên cho biết, ngày 6/11/1958, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Lý Thừa Vãn đã tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Thông tin này đã được báo chí Sài Gòn công bố. Dòng họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc cũng thừa nhận Tổng thống Lý Thừa Vãn là hậu duệ đời thứ 25 của hoàng thân Lý Long Tường.

ly-long-tuong-7
Lý Thừa Vãn. Ảnh tư liệu

Hậu duệ thứ 30 của Lý Long Tường – Lý Khánh Huân cũng từng sang Sài Gòn để tìm cội nguồn nhưng vì đất nước khi ấy còn chiến tranh nên chưa về được đất tổ ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Sau này, con trai ông là Lý Xương Căn đã thay cha làm việc đó. Ngày 18/5/1994, Lý Xương Căn - người họ Lý đầu tiên làm được “sứ mệnh tổ tiên” - đã làm lễ cúng bái tổ tiên ở đền Lý Bát Đế - nơi thờ cúng 8 vị vua nhà Lý - ở thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.

ly-long-tuong-4
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp ông Lý Xương Căn năm 1998. Ảnh tư liệu

Năm 1995, sang Việt Nam dự lễ Quốc khánh 2/9 tại quảng trường Ba Đình, ông Lý Xương Căn đã được gặp và tặng Tổng bí thư Đỗ Mười tấm liễn có dòng chữ: “Tuy sống nơi xa vạn dặm. Nhưng lòng vẫn luôn hướng về Việt Nam”.

ly-long-tuong-3
Ông Lý Xương Căn. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân Online

Hậu duệ của dòng họ Lý Long Tường tại Hàn Quốc có nhiều người thành đạt. Ngoài gia đình ông Lý Xương Căn, một hậu duệ khác nổi tiếng tại Seoul là ông Lý Hy Luận (Chủ tịch cộng đồng họ Lý xuất thân từ Hoa Sơn), cựu Tổng giám đốc Tập đoàn xây dựng lớn Booyoung lẫn tham gia Tập đoàn công nghiệp chế tạo Hyundai cũng có nhiều đóng góp xây dựng kinh tế ở Việt Nam.