Con đường ‘đau khổ’ nhất Việt Nam: Oằn mình hứng 4 triệu tấn bom đạn, là huyền thoại bất tử với người Việt
Trong chiến tranh, con đường này đã phải hứng chịu rất nhiều bom đạn, chất độc màu da cam. Nhưng nó vẫn sừng sững tồn tại, trở thành biểu tượng bất tử trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Ở Việt Nam có một con đường rất đặc biệt, được phong là con đường “đau khổ” nhất đất nước khi từng phải hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn, 80 triệu lít chất độc hóa học. Đó chính là đường Trường Sơn (còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh).
Đường Trường Sơn ra đời sau khi Việt Nam bị chia cắt bởi Hiệp định Geneva (1954). Để liên lạc giữa hai miền Nam – Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam, nhiệm vụ mở một tuyến đường mới đã được đặt ra tại Hội nghị Trung ương 15 (1/1959).
4 tháng sau, Đoàn 559 được thành lập, cũng là khởi đầu của tuyến chi viện huyền thoại mang tên Trường Sơn. Khi đó, người được giao trọng trách mở đường là Thượng tá Võ Bẩm. Từ rừng rậm, những lối mòn bắt đầu được mở ra. Tuy nhiên, trước sự tấn công ác liệt của quân Mỹ, hoạt động mở đường đã bị gián đoạn một thời gian.
Nhưng đến năm 1961 đã có 100km đường được khai thông từ Đường 9 Quảng Trị đến Mường Phalan, Lào. Con đường này đủ rộng để xe di chuyển. Về sau, hệ thống đường Trường Sơn ngày càng được mở rộng hơn nữa, trở thành niềm tự hào, cũng là huyền thoại trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Tại sao lại gọi đường Trường Sơn là con đường đau khổ nhất Việt Nam? Hãy nhìn vào số liệu chỉ ra những gì con đường này phải chịu trong thời chiến sẽ hiểu. Gần 4 triệu tấn bom mìn (gấp đôi tổng lượng bom trong Thế chiến thứ 2) đã bị ném xuống đường Trường Sơn. Mục đích của việc làm này là phá hủy mạch giao thông của quân ta. Từ 1968 – 1972, trung bình mỗi ngày có 22 – 30 vụ B52 oanh tạc trên dãy Trường Sơn.
Tháng 2/1971, quân đội Việt Nam Cộng hòa với sự hỗ trợ của 6.000 lính Mỹ, 2.000 xe tăng, pháo binh, máy bay đã tấn công Hạ Lào để cắt đứt con đường tiếp vận từ Bắc vào Nam của quân ta. Nhưng nỗ lực của chúng bất thành, con đường huyết mạch Trường Sơn vẫn hiên ngang tồn tại.
Sau này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đã phải thừa nhận rằng: “Không cách nào ngăn chặn dòng người và vật tư từ miền Bắc vào miền Nam”.
Để xây dựng và giữ gìn được một đường Trường Sơn như vậy, biết bao mồ hôi, nước mắt và máu của thế ông cha đã để lại. Bởi vậy mà trong lòng mỗi người dân Việt Nam, con đường này không chỉ là một chứng nhân lịch sử mà còn là biểu tượng, minh chứng rõ nhất cho tinh thần không khuất phục, kiên cường bất khuất của dân tộc. Chiến tranh đã đi qua, đường Trường Sơn giờ đây đã có một vẻ ngoài mới, vị thế mới. Nhưng đau thương ở lại trong từng tấc đất vẫn còn đó, nhắc nhở lớp trẻ không được phép quên lãng và phải trân trọng những giá trị lịch sử để lại.
Nguồn ảnh: Tư liệu