Đời sống

Lý do mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái nằm ở Trung Quốc, 100 năm trôi qua vẫn không đưa về Việt Nam

Lý do mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái nằm ở Trung Quốc, 100 năm trôi qua vẫn không đưa về Việt Nam

Liệt sỹ Phạm Hồng Thái sau khi hy sinh đã yên nghỉ lại ở Quảng Châu, Trung Quốc. Đã 100 năm trôi qua, ngôi mộ này vẫn được chăm sóc, giữ gìn cẩn thận. 

Tháng 8 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm liệt sỹ Phạm Hồng Thái trong khuôn viên Công viên Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, Quảng Châu, Trung Quốc. Nhiều người thắc mắc tại sao ngôi mộ của vị liệt sỹ này lại nằm tại đây mà không đưa về Việt Nam?

pham-hong-thai-6
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân dâng hương tại mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam

Đầu tiên phải nói về liệt sỹ Phạm Hồng Thái (1895 – 1924). Ông là một nhà hoạt động cách mạng trong phong trào Đông Du, chiến sỹ yêu nước nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Liệt sỹ Phạm Hồng Thái quê ở xã Hưng Nhân (nay là xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Từ bé đã phải chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than, đồng chí Phạm Hồng Thái đau đáu suy nghĩ phải làm gì đó để góp sức đòi lại tự do cho dân tộc. Quả thật sau này ông đã làm được điều đó.

Phạm Hồng Thái từng có thời gian vượt biên qua Xiêm (Thái Lan), sau đó đến Quảng Châu (Trung Quốc) để làm cách mạng. Năm 1924, ông nhận nhiệm vụ của tổ chức Cách mạng đồng chí Hội, ám sát một viên toàn quyền Đông Dương tên Merlin. Nhiệm vụ này được xác định để tạo thanh thế cho tổ chức, lên tinh thần cho mọi người.

pham-hong-thai-1
Liệt sĩ Phạm Hồng Thái (1895-1924). Ảnh tư liệu

Để thực hiện nhiệm vụ, đồng chí Phạm Hồng Thái đã hóa trang thành một phóng viên rồi vào khách sạn Victoria ở tô giới Sa Diện. Nơi đây khi đó có một hội nghị của Pháp. Đứng giữa đám đông, đồng chí ném 2 quả lực đạn được ngụy trang trong chiếc máy ảnh của mình (máy ảnh đời trước khá to, có vải đen che phủ). Thế nhưng chỉ có 1 quả phát nổ, không đủ lấy mạng Merlin mà chỉ khiến hắn bị thương.

Binh lính Pháp sau đó đã nhanh chóng bao vây bắt Phạm Hồng Thái. Ông nhanh trí xông ra ngoài, nhảy xuống sông Châu Giang rồi kiệt sức, qua đời. Sự kiện “tiếng bom Phạm Hồng Thái” hay “tiếng bom Sa Diện” về sau được nhắc đến rất nhiều trên báo chí khu vực lẫn lịch sử đất nước. Nó đã làm chấn động thời sự khu vực châu Á. Tuy không giết được Merlin nhưng sự kiện này đã gây được tiếng vang lớn tác động đến các tổ chức cách mạng trong nước.

pham-hong-thai-2
Khách sạn Victoria, Sa Điện, Quảng Châu, Trung Quốc, nơi liệt sĩ Phạm Hồng Thái ném bom mưu sát Toàn quyền Méclanh, ngày 19/6/1924. Ảnh tư liệu

Người dân Trung Quốc lúc này cũng đang chịu cảnh lầm than nên rất ngưỡng mộ sự dũng cảm của đồng chí Phạm Hồng Thái. Họ cùng nhau vớt thi thể ông lên rồi an táng tại chân đồi Bạch Vân. Năm 1928, chính quyền Quảng Châu đã di dời phần mộ của đồng chí Phạm Hồng Thái về Công viên Hoàng Hoa Cương, xây lăng mộ kiên cố. Ông yên nghỉ bên cạnh 72 liệt sỹ khác của Cách mạng Tân Hợi (1911).

Nói về liệt sỹ Phạm Hồng Thái, nhà thơ Tố Hữu sau này đã làm một bài thơ tứ tuyệt ca ngợi ông:

“Sống chết được như anh

Thù giặc thương nước mình

Sống, làm quả bom nổ

Chết, như dòng nước xanh”.

pham-hong-thai-3
Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Internet

pham-hong-thai-5
Bà Cao Thị Chất, phu nhân liệt sĩ Phạm Hồng Thái viếng mộ ông tại Đài liệt sĩ Hoàng Hoa Cương, Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: TLBTLSQG

Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái ở Trung Quốc được xây bằng đá hoa cương, trước mộ dựng bia mộ, thân bia hình lăng trụ, dưới rộng trên hẹp, chia làm ba tầng. Bia cao 3,27 mét, diện tích tầng trệt là 12,96 mét vuông. Trước mộ có ghi khắc bia chữ Hán: “Việt Nam Phạm Hồng Thái liệt sĩ chi mộ”. Cạnh bên trái bia khắc ngày sinh 14-5-1895, hy sinh ngày 19-6-1924. Cạnh bên phải khắc: Uỷ ban Nhân dân thành phố Quảng Châu trùng tu tôn tạo vào ngày 24-2-1958.