Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện ở đâu? Danh tính người đầu tiên vẽ quốc kỳ Việt Nam
Lá cờ đỏ sao vàng là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Trong những cột mốc lịch sử đáng nhớ của dân tộc, lá quốc kỳ luôn luôn xuất hiện.
Việc treo cờ Tổ quốc là truyền thống lâu năm của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Việc làm này không chỉ thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng đất nước, quê hương. Lá cờ đỏ sao vàng ở Việt Nam được người dân tôn kính như một cách tri ân đến sự hy sinh của các thế hệ cha, anh đã bảo vệ, gìn giữ nền độc lập nước nhà.
Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn gọi là cờ đỏ sao vàng, cờ Tổ quốc. Lá cờ này lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra đêm 22, rạng ngày 23/11/1940, ở hầu hết tỉnh Nam Bộ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, hiệu kỳ này lần đầu do Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng ở buổi mở lớp “Con đường giải phóng” huấn luyện cán bộ chuẩn bị thành lập mặt trận đại đoàn kết dân tộc vào cuối năm 1940. Tuy nhiên, ngày mà lá cờ đỏ sao vàng được chính thức treo lần đầu tiên là 19/5/1941, ở giữa hang Pắc Bó, trong Lễ khai mạc Hội nghị thành lập Việt Nam – Độc lập Đồng minh Hội.
Có một sự thật ít ai biết, năm 1944, nhạc sĩ Văn Cao sáng tác Tiến Quân Ca có câu: “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước… Sao vàng phấp phới”, nhưng lúc đó ông cũng chưa được nhìn thấy lá cờ ngoài đời thực mà chỉ tưởng tượng ra.
Người đầu tiên vẽ lá cờ đỏ sao vàng chính là liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến (1901 – 1941), một chiến sĩ cộng sản ưu tú, kiên trung, bất khuất. Năm 1939, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ đã giao cho đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đảm nhận nhiệm vụ vẽ mẫu một lá cờ cách mạng để dùng cho cuộc khởi nghĩa sắp tới.
Ngày 23/11/1940, lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh chính thức xuất hiện tại khởi nghĩa Nam Kỳ. Lá cờ với màu đỏ tượng trưng cho máu. Ngôi sao 5 cánh màu vàng là đại diện cho ánh sáng của vai trò lãnh đạo cách mạng, màu da vàng của người dân Việt. Năm cánh sao đại diện cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong đó có sĩ, công, nông, thương, binh.
Đáng tiếc cho đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là ông chưa kịp nhìn thấy lá cờ mình vẽ tung bay ngoài đời thì đã bị quân Pháp ập đến bắt giữ. Sau khi bị tra tấn dã man, đồng chí bị xử bắn vào ngày 28/8/1941.