Đời sống

Vị tướng duy nhất ở Việt Nam được ví là ‘hoàng tử bầu trời', sở hữu bảng chiến tích lẫy lừng lịch sử

Vị tướng duy nhất ở Việt Nam được ví là ‘hoàng tử bầu trời', sở hữu bảng chiến tích lẫy lừng lịch sử

Thời điểm được chọn học phi công lái máy bay chiến đấu, người đàn ông này chỉ có trình độ văn hóa đến lớp 4. Về sau, ông trở thành một thiếu tướng, phi công lái máy bay chiến đấu tên tuổi ở Việt Nam.

Ở Việt Nam có một vị tướng đặc biệt, người từng là phi công quân sự, được ví von với danh xưng đầy hoa mỹ: “Hoàng tử bầu trời”. Ông là Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính (sinh năm 1941), quê ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Xuất thân từ mảnh đất hiếu học nhưng đáng tiếc là vì hoàn cảnh quá khó khăn nên thuở nhỏ ông chỉ được học bình dân học vụ đến hết lớp 2 thì nghỉ. Những năm tháng tuổi thơ của Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính là ở nhà phụ giúp gia đình, chăm sóc cho người cha bệnh tật. Cha ông là một người nông dân yêu nước, từng tham gia du kích trong Chiến tranh Đông Dương, sau này bệnh tật triền miên.

Năm 1959, chàng trai Đăng Kính khi đó tròn 18 tuổi đã bắt đầu đi nghĩa vụ quân sự. Ngay khi nhập ngũ, ông lọt vào “mắt xanh” của các tuyển trạch viên và được tuyển vào Không quân Nhân dân Việt Nam (thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam). Ông được cho học cấp tốc phổ thông cơ sở và tiếng Nga.

tuong-nguyen-dang-kinh-3
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, động viên thành tích chiến đấu của Đoàn Không quân Sao Đỏ (năm 1968). Trong ảnh: Thượng uý phi công Nguyễn Đăng Kính bắt tay Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu

Đến năm 1961, đồng chí Nguyễn Đăng Kính được chọn đi học lái máy bay tiêm kích ở Liên Xô. Bấy giờ trình độ văn hóa của ông chỉ mới lớp 4. Lớp phi công năm đó vị tướng theo học là lớp học lái tiêm kích đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô (các lớp trước học ở Trung Quốc). Lớp gồm 40 người, do đồng chí Nguyễn Hồng Nhị là Đoàn trưởng, trong số các học viên còn có đồng chí Phạm Thanh Ngân (sau này là Thượng tướng, anh hùng không quân), đồng chí Nguyễn Văn Cốc (sau này là Trung tướng, anh hùng không quân) theo học cùng.

3 năm sau, đồng chí Nguyễn Đăng Kính hoàn thành chương trình đào tạo với các bạn học, về nước nhận nhiệm vụ. Trải qua 4 tháng ở Việt Nam, ông cùng 15 người khác lại đến Liên Xô để học thêm về lái MiG-21. Mãi đến tháng 10/1965 đồng chí mới về nước và được biên chế vào Trung đoàn Không quân 921.

tuong-nguyen-dang-kinh-2
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Kính bên chiếc Mig 21 đầy kỷ niệm trong chiến đấu chống Mỹ. Ảnh: Quốc Phong

Trong Kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Đăng Kính là một trong những phi công có nhiều giờ bay nhất, từng 3 lần bị thương khi chiến đấu, thậm chí còn từng phải nhảy dù thoát thân vì máy bay bị bắn rơi. Nhưng ở chiều ngược lại, ông cũng lập hàng loạt chiến công vang dội khi bắn rơi 6 máy bay thuộc các loại Thần Sấm, Con Ma, máy bay trinh sát không người lái, máy bay E.B66 của Không lực Hoa Kỳ.

Vào tháng 10/1968, đồng chí Nguyễn Đăng Kính khi đó là Đội trưởng Đội bay tiêm kích thuộc Đoàn không quân Sao Đỏ, Không quân Nhân dân Việt Nam đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của Mỹ. Trong chiến đấu, do cách đánh và sự dũng cảm, ông từng được báo chí ví như một vị "hoàng tử bầu trời".

tuong-nguyen-dang-kinh-1
Thiếu tướng Nguyễn Ðăng Kính (phải) trong một lần về dự hội làng Hành Thiện. Ảnh: Phong Doanh

Sau này, trong quá trình công tác, đồng chí Nguyễn Đăng Kính trải qua nhiều vị trí, mang trên mình những trọng trách khác nhau. Nhưng dù là ở đâu, làm gì, ông vẫn luôn cho thấy tinh thần trách nhiệm tuyệt đối, sự khiêm nhường của mình.

Năm 1994, đồng chí Nguyễn Đăng Kính được phong quân hàm Thiếu tướng. Bên cạnh đó, ông còn được trao nhiều danh hiệu và huy chương cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2010), Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, 6 huy hiệu Bác Hồ.