Đời sống

Vị tướng đánh trận giỏi nhất lịch sử hiện đại Việt Nam và trận đánh khiến Thái Lan ‘3 đời sau còn sợ'

Vị tướng đánh trận giỏi nhất lịch sử hiện đại Việt Nam và trận đánh khiến Thái Lan ‘3 đời sau còn sợ'

“Đánh trận này, ba đời sau Thái Lan còn sợ”! Đây là lời tuyên bố của Đại tướng Lê Trọng Tấn khi nói về trận đánh lịch sử.

Trong lịch sử quân đội Việt Nam có một vị tướng đặc biệt, người được mệnh danh có khả năng xoay chuyển cục diện trận đấu. Ông cũng là người hiếm hoi trong lịch sử hiện đại nước ta được ca ngợi “đánh trăm trận trăm thắng”. Nói về vị tướng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải ca ngợi ông xứng đáng “hai lần Anh hùng”. Người được nói đến là Đại tướng Lê Trọng Tấn (tên thật Lê Trọng Tố, 1914 – 1986), nguyên: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam.

dai-tuong-le-trong-tan-1
Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ảnh tư liệu

Nói đến Đại tướng Lê Trọng Tấn là phải nói đến chiến dịch “Z”. Đây là chiến dịch lớn ở chiến trường Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng (Lào). Sau chiến thắng Đường 9 – Nam Lào, mùa khô năm 1971 – 1972, Tổng hành dinh Quân Giải phóng Miền Nam và Bộ chỉ huy Quân đội giải phóng nhân dân Lào đã mở chiến dịch “Z” để tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch đang lấn chiếm Cánh đồng Chum, đồng thời phá vỡ tuyến phòng thủ của địch, giành, giữ dân, giải phóng Cánh đồng Chum.

Quân tình nguyện Việt Nam đảm nhiệm hướng chính là Cánh Đồng Chum; Quân đội Pathét Lào và hai tiểu đoàn trung lập của Đại tá Đươn giải quyết hướng Xala Phukhun – Mường Sủi.

dai-tuong-le-trong-tan-2
Ông Lê Trọng Tấn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Trong bài viết trên Tạp chí Lào – Việt, cựu chiến binh Việt Lào – Nguyễn Đình Trọng đã kể về năm tháng lịch sử đó. Tháng 7/1971, Mỹ cùng Chính phủ Lào thân Mỹ đã mở cuộc hành quân lấn chiếm Cánh đồng Chum. Mưu đồ của chúng là muốn chiếm đóng nơi đây lâu dài, từ đó đánh chiếm lại sân bay, bung ra chiếm lại Cánh đồng Chum, sau đó theo đường 7 đánh ra biên giới Việt – Lào. Lần này, Mỹ còn tăng cường thêm cả lực lượng quân đội đánh thuê Thái Lan.

Phía ta, ngoài các cán bộ chủ chốt BTL 959 (Đại tá Vũ Lập làm Tư lệnh, Đại tá Huỳnh Đắc Hương làm Chính ủy), Bộ Quốc phòng tăng cường một Đại tá xuất sắc của quân đội là đồng chí Nguyễn Hữu An làm Phó Tư lệnh. Thời điểm chiến dịch sắp mở màn, Thiếu tướng Tổng tham mưu phó Lê Trọng Tấn đã được Bộ cử sang làm phái viên trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.

Nói về điều này, báo Bangkok sau này đã viết: “Tướng Tấn đột ngột xuất hiện trực tiếp chỉ huy chiến dịch sau những loạt đại pháo 130 ly khiếp đảm cùng những “con báo khạc lửa” (xe tăng) thẳng tiến như không có gì cản trở”.

dai-tuong-le-trong-tan-3
Tướng Lê Trọng Tấn được mệnh danh là “Tướng chiến thắng”, là “Zhukov của Việt Nam”. Ảnh tư liệu

Khi nghe báo cáo tình hình địch – ta, Tướng Lê Trọng Tấn đã tuyên bố: “Đánh trận này, ba đời sau Thái Lan còn sợ”! Đúng như ông nói, giáp Tết Nhâm Tý (1972), chiến dịch chính thức bắt đầu và ngay lập tức khiến đối thủ run rẩy. Tuy nhiên, quá trình chiến dịch vẫn xuất hiện một số tình huống ngoài ý muốn và sự cố ở Phu Tôn là ví dụ điển hình. Cũng qua sự kiện này mà tài năng của tướng Tấn được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.

Bấy giờ, Trung đoàn 165 (f312) do trung tá Nguyễn Chuông chỉ huy dứt điểm Phu Thanêng (Phu Tâng) do một tiểu đoàn quân Thái Lan đóng giữ. Trung đoàn 141 đánh trung tâm chỉ huy của quân Thái Lan ở Phu Tôn. Trung tá trung đoàn trưởng lọt bẫy địch, bất chấp việc xe tăng đang bị sa lầy mà đòi đưa xe. Trên bầu trời, hỏa lực của địch bắn phá liên tục. Nhờ có sự dũng cảm của quân Giải phóng mà sau 5 ngày giao chiến, quân Thái Lan, quân Mẹo bị đánh cho tơi tả, lũ lượt bỏ chạy.

dai-tuong-le-trong-tan-4
Đại tướng Lê Trọng Tấn với Đồng chí Kaysone Phomvihanevà đội Latxavong tiền thân quân đội Lào ngày nay ( tại chiến khu 10 Chu Hưng – Hạ Hoà – Phú Thọ 1949). Ảnh tư liệu

Trong hang chỉ huy Phu Nhu lúc này không khí vô cùng căng thẳng. Bộ Tư lệnh, cán bộ các cục, các trưởng phòng của Mặt trận 959 và phái viên của Bộ đều có mặt lắng nghe tướng Lê Trọng Tấn ra chỉ thị. Tướng Tấn tức giận đến mức mặt đỏ bừng, vừa đi quanh bàn vừa nhìn vào tấm bản đồ trên vách đá. Bất chợt ông dừng lại, lấy điện thoại gọi xuống e141 và quát lớn: “Tài đâu, lệnh cho bộ đội xung phong ngay. Địch chạy hết rồi”.

Đầu dây bên kia nói gì đó khiến vị tướng này bực mình. Ông liên hét lớn: “Mày không lên, tao cách cổ bây giờ!”. Ngay lập tức bộ đội xông lên, đúng là chỉ còn mấy tên địch bắn súng máy nghi binh.

dai-tuong-le-trong-tan-5
Cảnh bom đạn Mỹ và Nguỵ Lào oanh tạc một khu vực phòng ngự của Quân tình nguyện Việt Nam bảo vệ Cao nguyên Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng – những năm Kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Trong tình thế đó, ngay cả các tư lệnh, phó tư lệnh cũng luống cuống không biết nên đuổi theo địch ở hướng nào. Tướng Lê Trọng Tấn lừ lừ nhìn mọi người rồi ra lệnh: “Tập trung hỏa lực chần dọc theo con đường phía Nam (nơi ít đèn dù hơn)”. Họ làm theo nhưng trong lòng vẫn có chút chần chừ. Bởi chỉ cần phán đoán này sai thì phần lớn quân địch ở Phu Tôn và Cánh đồng Chum sẽ chạy thoát, kế hoạch “đánh tiêu diệt” của chiến dịch “Z” vì thế cũng sẽ không thực hiện được.

Nhưng kết quả không nằm ngoài dự đoán của “vị tướng chiến thắng” Việt Nam. Dọc đường phía Nam, quân Thái chết như ngả rạ. Một lần nữa tài năng kiệt xuất của vị tướng đánh trận giỏi nhất lịch sử hiện đại Việt Nam lại được chứng minh.