Vị tướng duy nhất của quân đội Việt Nam làm Tư lệnh của hai binh chủng, từng bảo vệ Bác Hồ
Tính đến hiện tại, Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ có vị tướng này từng làm Tư lệnh của hai binh chủng: Binh chủng Pháo Binh và Binh chủng Tăng Thiết giáp.
Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, đến nay chỉ có duy nhất một vị tướng từng làm tư lệnh của hai binh chủng. Ông là Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (1918 – 2011), nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh (1964 – 1968) và Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp (1971 – 1974). Cả hai binh chủng mà vị tướng này từng làm tư lệnh đều được đánh giá là có kỹ thuật hiện đại bậc nhất QĐND Việt Nam.
Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm tên thật là Nguyễn Kèn, quê ở làng Tân Xuân, huyện Hàm Thuận (nay là phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Ông từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, gia đình lại có điều kiện nên được ra Quy Nhơn học trung học từ năm 14 tuổi. Sau đó, chàng trai Nguyễn Kèn lại tiếp tục ra Huế, Hà Nội vì sự nghiệp học hành.
Khi vừa lấy bằng tú tài toàn phần theo hệ tú tài Pháp, tương lai đang rộng mở, anh chàng Nguyễn Kèn quyết định thi vào Đại học Y khoa Hà Nội. Trong thời gian này, ông giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia các phong trào yêu nước và được kết nạp vào tổ chức Việt Minh thành Hoàng Diệu.
Nhưng phải đến năm 1944, đồng chí Nguyễn Thế Lâm mới chính thức trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ khi nhận nhiệm vụ về Huế hoạt động, tham gia Ban chấp hành Việt Minh ở tỉnh Thừa Thiên.
Liên tiếp sau đó, ông được giao những nhiệm vụ quan trọng như: Chỉ huy phó mặt trận Nha Trang (năm 1945), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 81 của Ninh Thuận và Khu trưởng khu 6 (năm 1946), Tư lệnh Liên khu 5 (tức Quân khu 5 ngày nay) vào tháng 8/1947…
Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Thế Lâm ngày ấy, quân dân Liên khu 5 (Nam Trung Bộ) đã chiến đấu kiên cường, giữ vững địa bàn chiến lược, là hậu phương cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến…
Năm 1951, đồng chí Nguyễn Thế Lâm nhận nhiệm vụ ra Bắc làm Đại đoàn phó Đại đoàn 308, sau đó là Đại đoàn trưởng Đại đoàn đồng bằng 320, chiến đấu ở đồng bằng Bắc bộ, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. 3 năm sau, ông làm Tham mưu Phó Bộ Tư lệnh pháo binh rồi được cử đi Liên Xô học về pháo binh – tên lửa. Về nước, đồng chí được bổ nhiệm làm Tư lệnh Binh chủng Pháo binh.
Đặc biệt, năm 1959, đồng chí Nguyễn Thế Lâm từng được làm cận vệ bảo vệ Bác Hồ trong lần Người tiếp Tổng thống và nguyên thủ một số quốc gia đến thăm, làm việc ở Việt Nam. 7 năm sau, ông lại có vinh dự báo cáo và đưa Bác đi xem bắn hỏa tiễn A12+ĐKB chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân. Cuối năm 1969, đồng chí Nguyễn Thế Lâm được Bác Hồ bắt tay tại hội nghị cán bộ cấp cao để phổ biến nhiệm vụ chiến đấu Xuân Mậu Thân. Những lần được ở cạnh Bác, làm việc với Người, đã tác động không nhỏ đến thái độ làm việc và phong cách của Tướng Lâm sau này.
Giữa năm 1968, đồng chí Nguyễn Thế Lâm về làm Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên – Huế (chiến trường B4). Sau 3 năm, ông lại về công tác ở Hội đồng Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng và phong hàm Thiếu tướng cũng trong năm đó.
3 năm sau khi nhận hàm Thiếu tướng, ông Nguyễn Thế Lâm được điều về làm Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp, nay là Tăng – Thiết giáp. Năm 1974, vị tướng này về công tác ở Hội đồng Khoa học Quân sự Bộ Quốc phòng.
Cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm lúc ngược Bắc, lúc xuôi Nam, nhưng dù là ở đâu, làm gì ông đều tận tâm, tận lực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.