Đời sống

Vị Tư lệnh đầu tiên của Công an Việt Nam: Là tướng huyền thoại, bạn thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vị Tư lệnh đầu tiên của Công an Việt Nam: Là tướng huyền thoại, bạn thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Ông là vị tư lệnh nổi tiếng đức độ, tài năng của ngành công an. Nói về vị tướng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Đồng chí là người cộng sản kiên trung, một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước đức độ và tài năng, hết lòng vì nước, vì dân”.

Trong ngành Công an Nhân dân Việt Nam, đồng chí Phan Trọng Tuệ (1917 – 1991) là cái tên nổi bật. Ông chính là Tư lệnh đầu tiên của Lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang.

Nói về người đồng đội này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành sự trân trọng: “Đồng chí Phan Trọng Tuệ, người cộng sản kiên trung, một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước đức độ và tài năng, hết lòng vì nước, vì dân. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập đảng từ năm 1934 lúc mới 17 tuổi, đã 2 lần bị địch bắt, tù đày, tra tấn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết… Với tôi, đồng chí là người bạn chiến đấu thủy chung”.

thieu-tuong-phan-trong-tue-3
Đồng chí Phan Trọng Tuệ. Ảnh: Bộ Công an

Đồng chí Phan Trọng Tuệ quê gốc ở Sài Sơn, Hà Tây, nhưng nơi chôn nhau cắt rốn lại là nước bạn Lào. Lý do bởi đầu thế kỷ 20, thân phụ của ông là cụ Phan Trọng Định đã phiêu dạt sang Lào, Thái Lan để mưu sinh. Sau khi xây dựng được cơ ngơi ở Viêng Chăn, cụ Định về nước đón vợ là cụ bà Trịnh Thị Miễn cùng 2 cô con gái sang đoàn tụ. Tại vùng đất này, họ sinh thêm được 4 người con và ông Phan Trọng Tuệ là một trong số đó.

Năm 13 tuổi, đồng chí Phan Trọng Tuệ đã giác ngộ và tham gia cách mạng, sau đó kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 17 tuổi. Sau lần tham gia lãnh đạo cuộc mít tinh của sinh viên, học sinh ở Viêng Chăn để phản đối thực dân Pháp, đồng chí Phan Trọng Tuệ bị bắt giam 4 tháng rồi trục xuất về Sài Sơn để quản thúc. Trở về quê hương, ông cùng các đồng đội đã khôi phục hoạt động cách mạng nơi đây.

thieu-tuong-phan-trong-tue-5
Gia đình ông Phan Trọng Tuệ chụp năm 1966 (Từ trái sang phải: Phan Vi Linh (con),ông Phan Trọng Tuệ, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (vợ), Phan Thị Gia Liên (con)). Ảnh tư liệu

Thời gian sau đó, đồng chí Phan Trọng Tuệ được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Sơn Tây (1940), Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư liên Tỉnh ủy gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam (1941), Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ phụ trách công tác binh vận (cuối năm 1941).

Cũng như nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam khác, đồng chí Phan Trọng Tuệ phải trải qua quá trình hoạt động cách mạng vô cùng gian khổ, nhiều thử thách. Thế nhưng ông không bao giờ từ bỏ, luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

thieu-tuong-phan-trong-tue-6
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ thăm thanh niên xung phong làm đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Năm 1955, đồng chí Phan Trọng Tuệ được thăng quân hàm Thiếu tướng. Ngày 3/3/1959, lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang được thành lập, đồng chí Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an Nhân dân Vũ Trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Ông trở thành vị tư lệnh đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

thieu-tuong-phan-trong-tue-1
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Tư lệnh CAND vũ trang thăm lực lượng CAND vũ trang tỉnh Hà Đông cũ năm 1959. Ảnh tư liệu

Cuộc đời tướng Phan Trọng Tuệ không thể không kể đến Đường 559. Nơi đây gắn liền với vị tướng huyền thoại trong những năm chiến tranh cam go, ác liệt. Đầu năm 1965, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559, cùng với đồng chí Đinh Đức Thiện (Phó Tư lệnh) đã đưa ra những chủ trương táo bạo, đúng đắn, góp phần đẩy mạnh vận tải cơ giới. Vị tướng này có mặt ở hầu khắp những điểm nóng của Trường Sơn, đưa ra quyết sách đảm bảo an toàn cho mạng lưới giao thông của Đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngoài ra, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ còn là Tư lệnh đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại, gắn với Đường 20 Quyết thắng. Sau này khi làm Phó Thủ tướng Chính phủ (4/1973 – 1976), ông cùng Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã chỉ đạo phát triển đường Trường sơn thành đường chuẩn quốc gia, góp phần tạo thế và lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

thieu-tuong-phan-trong-tue-22
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP, dâng hương tưởng nhớ cố Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ. Ảnh: Lê Đồng

Với những đóng góp to lớn, tướng Phan Trọng Tuệ được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Tên của ông được đặt cho một tuyến đường ở huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Bên cạnh đó, một số trường học ở Thủ đô cũng vinh dự mang tên người chiến sĩ cộng sản kiên trung này.