Đời sống

Người được Bác Hồ mời làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhưng từ chối, là thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam

Người được Bác Hồ mời làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhưng từ chối, là thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam

Với kiến thức uyên thâm, vị thạc sĩ tài ba này từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, ông đã từ chối và tiến cử Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên.

Ở Hà Nội có một con đường to, đẹp nằm tại quận Thanh Xuân, mang tên Ngụy Như Kon Tum. Lần đầu nghe qua, nhiều người vẫn nghĩ cái tên này được đặt dựa trên tỉnh Kon Tum. Nhưng thật ra nó là tên một vị giáo sư hàng đầu đất nước một thời – Giáo sư Ngụy Như Kon Tum (1913 – 1991).

nguy-nhu-kon-tum-2
Chân dung giáo sư năm 1940. Ảnh: BTC Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Ngụy Như Kon Tum/Vietnamnet

Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là người Huế nhưng sinh ra và lớn lên tại Gia Lai, Kon Tum. Cha ông đã lấy tên mảnh đất này đặt cho cậu con trai. Trong khi đó, tên chị gái ông là Ngụy Như Ban Mê Thuột. Từ nhỏ, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đã thông minh hơn người, nhận nhiều học bổng, lớn lên thi cử đỗ đạt. Ông từng gây tiếng vang khi một lần nhận đến 3 bằng tú tài: Tú tài Tây ban Toán, tú tài Tây ban Triết và tú tài bản xứ. Dựa trên thành tích xuất sắc đó, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum được cấp học bổng sang Paris du học ở Đại học Sorbonne.

Trong 3 năm ở Pháp, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đã lấy được bằng cử nhân khoa học, sau đó là thạc sĩ Vật lý. Ông chính là thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam. Năm 1939, vị trí thức Việt Nam tiếp tục học lên tiến sĩ. Giảng viên hướng dẫn ông làm luận án khi đó là Giáo sư Jolliot Curie – con rể của vợ chồng bác học nổi tiếng Pierre Curie và Marie Curie. Tuy nhiên, đúng thời điểm đó Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đã quyết định về phục vụ đất nước.

nguy-nhu-kon-tum-1
Chân dung GS Ngụy Như Kon Tum. Ảnh: Báo Kon Tum

Năm 1941, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum về giảng dạy tại trường Bưởi. Ông cùng những vị trí thức yêu nước như Giáo sư Dương Quảng Hàm, Giáo sư Nguyễn Xiển đã không ngừng đóng góp để thúc đẩy việc sử dụng tiếng Việt trong ngành giáo dục, vun đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Năm 1945, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là Giám đốc Đông Dương học xá. Sau ngày 2/9/1945 lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm đến nhà riêng của vị giáo sư này để mời ông ra làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Đáp lời Bác, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum khéo léo từ chối: “Bộ trưởng Giáo dục phải là người có chuyên môn sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn thì quản lý, sáng tạo mới tốt. Tôi là người làm khoa học tự nhiên, e khó hoàn thành được nhiệm vụ”.

Thay vào đó, ông đề cử Giáo sư Nguyễn Văn Huyên giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Về phần mình, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum vui vẻ nhận lời làm Giám đốc Trung học vụ (thuộc Bộ Giáo dục).

nguy-nhu-kon-tum-5
GS Ngụy Như Kon Tum với ông Diệp Tư (phó hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp khi ấy) tại Bắc Thái. Ảnh: BTC Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Ngụy Như Kon Tum/Vietnamnet

Vì sự ngưỡng mộ dành cho Bác Hồ, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum và vợ là Nguyễn Thị Đỗ (từng là hoa hậu Hà Nội) và con gái đã không ngại rời Hà Nội, chuyển lên Việt Bắc để cùng toàn dân chống Pháp. Tinh thần yêu nước của ông trở thành tấm gương mẫu mực cho thế hệ trí thức mới của Việt Nam lúc bấy giờ.

Năm 1951, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum dạy ở khu học xá Trung ương tại Nam Ninh, Trung Quốc, với chức vụ trưởng Sư phạm cao cấp. Ông chuyên giảng dạy môn Vật lý tại trường Khoa học Cơ bản. Đây là nhiệm vụ nhằm chuẩn bị nhân lực cho đất nước sau khi giải phóng. 3 năm sau, vị giáo sư trở lại Việt Nam, giảng dạy môn Vật lý ở Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Đến năm 1956, ông trở thành hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và giữ chức đó trong suốt 26 năm.

nguy-nhu-kon-tum-4
Đám cưới GS Ngụy Như Kon Tum với bà Nguyễn Thị Đỗ năm 1943. Ảnh: BTC Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Ngụy Như Kon Tum/Vietnamnet

Năm 1982, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đúng vào dịp 20/11/1990, ông tiếp tục nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Để tưởng nhớ đến vị trí thức yêu nước này, ở Hà Nội có một con đường đặt theo tên ông, trong Trường Đại  học Quốc gia Hà Nội cũng có một hội trường mang tên Ngụy Như Kon Tum. Riêng tại tỉnh Kon Tuim có một con đường, một trường học và một quỹ khuyến học đặt theo tên vị giáo sư đáng kính.