Đời sống

Danh tính kẻ chỉ điểm khiến vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, nhục nhã nhận cái kết đắng cay vì phản bội

Danh tính kẻ chỉ điểm khiến vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, nhục nhã nhận cái kết đắng cay vì phản bội

Người chỉ điểm vua Hàm Nghi từng là nhân vật thân cận, bảo vệ vua. Sau khi phản bội, hắn được thăng quan tiến chức nhưng đi đâu cũng bị khinh bỉ và nhận cái kết vô cùng cay đắng.

Sau đêm 5/7/1885, Huế thất thủ, vua Hàm Nghi đã cùng đại thần Tôn Thất Thuyết vào rừng già Trường Sơn từ Quảng Trị, rồi Lào, Quảng Bình, Hà Tĩnh để kêu gọi toàn dân kháng chiến. Nào ngờ, cuối cùng vua lại bị quân Pháp bắt được và đưa đi đày ở Bắc Phi. Đã có kẻ chỉ điểm chỗ ở của ông. Kẻ đó lại chính là người kề cận, làm nhiệm vụ bảo vệ ông – Trương Quang Ngọc

vua-ham-nghi-2
Chân dung tự họa của vua Hàm Nghi, năm 1896. Ảnh tư liệu

Trương Quang Ngọc là người đã từng sống chết bảo vệ vua Hàm Nghi. Cha của hắn là một quan chức địa phương nổi loạn, lập ra một vùng lãnh địa riêng, cấu kết với người Mường và bản địa để xây dựng lực lượng trung thành với mình. Sau khi ủng  hộ vua Hàm Nghi, Trương Quang Ngọc đã mang hết lực lượng theo vua, phục vụ cho phong trào Cần Vương.

Thời điểm Đại úy Hugot săn lùng vua Hàm Nghi, chính Trương Quang Ngọc đã chỉ huy nghĩa quân đánh bại đối phương, nỗ lực bảo vệ vua đến cùng. Việc làm này đã góp phần củng cố sự tin tưởng mà vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết dành cho hắn.

Sau đó, đến tháng giêng năm 1886, Trung úy Camus từ Vinh hướng về đồi Quy Đạt (nơi vua Hàm Nghi đang ở) muốn tấn công bắt vua. Trương Quang Ngọc lại lập công khi chỉ huy lực lượng người Mường, đẩy lùi kẻ địch, khiến Camus trúng tên độc và tử trận.

vua-ham-nghi-3
Chân dung tự họa của Vua Hàm Nghi, năm 1896. Ảnh tư liệu

Tại sao một người bất chấp tính mạng để bảo vệ vua sau cùng lại phản bội vua? Lý giải chuyện này, TS Nguyễn Xuân Thọ viết trong cuốn “Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam” rằng: “Đầu năm 1888, nhưng màn lưới bủa vây ngày càng thắt chặt lại một cách nguy hiểm xung quanh Vua Hàm Nghi và nhóm thân binh trung kiện của Nhà vua mỗi ngày một thưa thớt... Lúc này ở chiến khu, các thân binh kiệt mòn sức lực vì thiếu thốn và bệnh tật, ý chí trung thành với Nhà vua dần mòn và sẵn sàng hợp tác với kẻ thù. Kháng chiến luôn đứng trước nguy cơ tan rã vì đói khổ”.

Biết tình cảnh đó, tháng 9/1887, Phạm Văn Mi – nguyên thành viên của Cơ Mật viện đã quy hàng ở Đồng Hới liền trở lại Quy Đạt, gửi thư cho Trương Quang Ngọc. Trong thư nói rằng nếu quy hàng, giao nộp vua Hàm Nghi, Trương Quang Ngọc sẽ được đối xử tử tế.

vua-ham-nghi-1
Vua Hàm Nghi nhà Nguyễn và những tác phẩm hội họa của ông trong những tháng ngày lưu vong. Ảnh tư liệu

Trong khi đó, Đại úy Mouteaux đã nhờ người trao cho Trương Quang Ngọc một bộ đèn hút thuốc phiện, áo lụa cho phu nhân hắn và tặng vua Hàm Nghi 6 yến gạo trắng. Cùng với đó còn có thư của vua Đồng Khánh và Hoàng Thái hậu Từ Dũ, bảo đảm với vị vua này rằng nếu ông về Huế sẽ có vị trí thứ hai trong triều đình.

Trước cám dỗ quá lớn, tối 12/10/1888, Trương Quang Ngọc đã tự ra hàng và chỉ đường cho quân Pháp đến nơi vua Hàm Nghi ẩn náu. Ngày 1/11/1888, Trương Quang Ngọc cùng một toán thuộc hạ đến chòi mà vua ở, muốn bắt vua. Để hộ giá, Tôn Thất Thiệp (con trai Tôn Thất Thuyết) trúng lao chết tại chỗ. Vua Hàm Nghi biết bị cận thần phản bội đã cầm kiếm đưa cho hắn rồi nói: “Mày hãy giết ta đi, đừng giao nộp ta cho Pháp”. Nhưng cuối cùng vua vẫn bị tước kiếm và khống chế, đưa về Huế. Năm đó vua 17 tuổi 7 tháng, bị Pháp đưa sang Algerie sống lưu vong.

vua-ham-nghi-4
Cựu hoàng Hàm Nghi lúc mới bị đày sang Alger. Ảnh: Báo Journal des voyages

Sau khi “lập công” cho quân Pháp, Trương Quang Ngọc được phong Lãnh binh, cử đi các tỉnh khác nhau để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, đi đến đâu hắn cũng bị hắt hủi, khinh bỉ. Cuối cùng đành trở về quê hương Thanh Lãng (Hà Tĩnh).

Chiều 24/12/1893, Trương Quang Ngọc đang say rượu, hút thuốc phiện thì bị nghĩa quân của Phan Đình Phùng tấn công. Hắn trúng đạn rồi ngã xuống. Dân chúng đã lập tức bắt lại, chặt đầu hắn bêu trước túp lều năm xưa hắn phản bội vua Hàm Nghi.