Đời sống

Đại tướng huyền thoại của Việt Nam do đích thân Bác Hồ đặt bí danh, được nước bạn Lào gọi với cái tên lạ

Đại tướng Chu Huy Mân được đánh giá là nhà chỉ huy quân sự táo bạo, tài ba, người vừa giỏi quân sự, vừa giỏi chính trị. Ngoài ra, ông còn là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói đến Nghệ An là nói đến mảnh đất có nhiều nhân tài, đóng góp lớn cho dân tộc. Trong số đó có một vị đại tướng vô cùng đặc biệt. Tính đến hiện tại, ông là đại tướng duy nhất của Việt Nam là người Nghệ An – Đại tướng Chu Huy Mân.

Đại tướng Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều (1913 – 2006), quê ở làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Từ năm 16 tuổi ông đã bắt đầu tham gia cách mạng, nhiều lần thay tên đổi họ nhưng cái tên Chu Huy Mân vẫn gắn bó đến trọn đời. Cái tên này có ý nghĩa đặc biệt: Huy là trong sáng, Mân là ngọc.

dai-tuong-chu-huy-man-1
Đại tướng Chu Huy Mân sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Nghệ An. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Những ngày đầu, tướng Chu Huy Mân tham gia và chỉ huy Đội tự vệ đỏ ở Nghệ An. Sau những lần lao tù, ông tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại Quảng Nam. Xuyên suốt thời gian hoạt động, đồng chí Chu Huy Mân luôn cho thấy tinh thần cộng sản kiên trung, bản lĩnh chính trị vững vàng của mình.

Với tài năng chính trị và quân sự của mình, đồng chí Chu Huy Mân được điều động và giao đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng mang tầm chiến lược. Đặc biệt, nói đến ông là nói đến những trận đánh vang danh như trận đánh đồn Phủ Thông (11-1947), góp phần làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến trong Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947, trận phục kích địch ở Tà Noong (1-1948), trận tiến công đồn địch ở Nà Pặc, Lũng Vài, Lũng Phầy, Khuổi Đăm...

dai-tuong-chu-huy-man-5
Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: Báo Chính Phủ

Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Chu Huy Mân luôn là ngọn cờ đầu, quyết đoán, dứt khoát, dám chịu trách nhiệm… Không chỉ vậy, ông còn giúp đỡ cách mạng Lào, giúp nước bạn xây dựng, củng cố lực lượng. Đồng chí được yêu mến đặt cho bí danh “tướng Thao Chăn” khi hoạt động ở đất nước Triệu Voi.

Năm 1957, sau khi đồng chí Chu Huy Mân hoàn thành nhiệm vụ và về nước, ông và các đồng đội có dịp gặp gỡ Bác Hồ. Bác khen tập thể Đoàn và Trưởng đoàn Chu Huy Mân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bạn tin, dân mến. Người đã tặng đồng chí Chu Huy Mân một chiếc đồng hồ, phía sau có khắc dòng chữ chìm: Hồ Chí Minh tặng.

Đến năm 1989, chính tướng Chu Huy Mân đã trao tặng lại món quà đặc biệt đó cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với mong muốn giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này.

dai-tuong-chu-huy-man-6
Chiếc đồng hồ Bác Hồ tặng Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: Báo QĐND
dai-tuong-chu-huy-man-2
Thượng tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 đang kiểm tra, theo dõi các mũi tiến công của quân giải phóng đánh vào thành phố Đà Nẵng (3/1975). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Sau này trong kháng chiến chống Mỹ, tướng Chu Huy Mân là người chỉ huy xuất sắc, ghi dấu ấn rõ nét tại chiến trường Khu 5 – Tây Nguyên (9/1963 – 1975). Thời điểm này ông phải gánh trên vai hai trách nhiệm, làm lãnh đạo chỉ huy cả quân sự lẫn chính trị. Khi đó, để giải quyết khó khăn cho bộ đội và nhân dân tại chiến trường, đồng chí Chu Huy Mân đã đề ra sáng kiến: Bộ đội hành quân đến đâu, trồng khoai, sắn, rau, chuối đến đấy. Lớp trước trồng, lớp sau đến tiếp quản và lấy đó nuôi quân, giúp dân. Kế sách này đã làm giảm bớt sự thiếu thốn về lương thực – vấn đề cấp bách lúc bấy giờ.

dai-tuong-chu-huy-man-4
Thượng tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng Quân khu 5 và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở chỉ huy Quân đoàn 1 Ngụy quyền Sài Gòn sau ngày thành phố Đà Nẵng vừa giải phóng (3/1975). Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Chính nhờ những đóng góp to lớn, đồng chí Chu Huy Mân đã được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng. Một lần, biết chuyện tướng Chu Huy Mân đang một vai gánh hai nhiệm vụ, Bác Hồ đã gửi lời động viên: “Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt”. Cũng từ đó bí danh “Hai Mạnh” của vị tướng này ra đời, bộ đội Tây Nguyên thường gọi ông bằng cái tên thân mật: Tướng Hai Mạnh.

dai-tuong-chu-huy-man-3
Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm đơn vị xe tăng T54 trước giờ tiến công vào giải phóng thành phố Đà Nẵng (1975). Ảnh: Hồng Phấn/TTXVN

Năm 1980, đồng chí Chu Huy Mân được phong quân hàm Đại tướng, tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác của Nhà nước ta và các nước bạn trao tặng.

Ngày nay, tên của Đại tướng Chu Huy Mân được đặt cho nhiều con đường trên cả nước. Đặc biệt, ở xã Hưng Hòa, TP Vinh còn xây Nhà tưởng niệm ngay trên khu vườn cũ của gia đình vị tướng. Ngoài ra, tướng Chu Huy Mân còn được Tỉnh ủy Nghệ An vinh danh trong tập sách “Nghệ An những tấm gương Cộng sản”.