Đời sống

Đám cưới đặc biệt được đích thân Bác Hồ làm chủ hôn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự, cô dâu, chú rể là ai?

Đám cưới đặc biệt được đích thân Bác Hồ làm chủ hôn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến dự, cô dâu, chú rể là ai?

Trong một lần gặp gỡ, Bác Hồ đã đích thân mai mối rồi làm chủ hôn cho một cặp đôi. Đám cưới đặc biệt đó còn có sự tham dự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…

Năm 1946, Việt Nam vừa giành được độc lập, công việc còn bộn bề. Thế nhưng lúc bấy giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để tổ chức hôn lễ cho một cặp đôi. Hai nhân vật chính là những người vô cùng gần gũi với Người: Nữ cảnh vệ Trần Thị Thái và đồng chí cận vệ Nguyễn Văn Lý.

Theo lời kể của bà Thái, cuối năm 1945, bà được ông Trần Danh Tuyền thông báo phân công sang nhận công tác mới ở bộ phận bảo vệ và phục vụ Bác Hồ. Đây vừa là vinh dự, vừa khiến cô gái trẻ hồi hộp đến không ngủ được.

“Địa điểm mà hôm sau tôi được dẫn đến là ngôi nhà cách dốc Cống Vị (Hà Nội) chừng 300 m, bên bờ sông Tô Lịch, ngược về phía chợ Bưởi. Ở đây tôi được anh Cả (tên thân mật của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Thường vụ Trung ương Đảng) hướng dẫn công việc cụ thể. Để giữ bí mật, tôi đóng vai là người con gái trong gia đình”, bà Thái tâm sự.

dam-cuoi-bac-ho-lam-chu-hon-3
Bác Hồ ăn cơm với các chiến sĩ Cảnh vệ trên đường chỉ đạo chiến dịch Biên giới, Tháng 9-1950. Ảnh tư liệu

Nhận công tác được vài ngày, cô cận vệ Thái được gọi lên họp và có cơ hội gặp Bác lần đầu tiên. Vì là con gái, bà được Bác quan tâm và hỏi thăm nhiều hơn. Người còn dặn ông Vũ Kỳ và anh Nguyễn Văn Lý (tên thật Hoàng Hữu Kháng, cận vệ của Bác, sau này là Cục trưởng Cục Cảnh vệ) thu xếp chỗ ăn chỗ ở cho cô cận vệ này cẩn thận hơn.

dam-cuoi-bac-ho-lam-chu-hon-4
Bác Hồ đến thăm Hợp tác xã Đại Thắng, Nam Định, tháng 3-1959. Ảnh tư liệu

Trong thời gian làm việc tại đây, cô cận vệ Thái biết anh Lý có tình cảm với mình nhưng cũng không dám thể hiện ra hay tâm sự với ai. Một buổi chiều, bà Thái được gọi lên gặp Bác.

“Bác hỏi tôi về chuyện gia đình, công tác và học tập. Rồi Bác nhìn tôi, nhìn anh Lý cười và hỏi: “Cô Thái có người thương chưa?”. Tôi xấu hổ, lung túng, ấp a ấp úng mãi mới trả lời Bác: “Dạ, thưa Bác! Con… con… con còn ít tuổi, chưa nghĩ đến ạ”.

Nói như vậy là chưa thật đúng với lòng mình, nhưng tôi nghĩ đất nước mới giành được độc lập, điều kiện còn khó khăn, bộn bề công việc, làm sao mình có thể lập gia đình được. Lúc trong đầu tôi đang ngổn ngang suy nghĩ thì Bác hỏi tiếp: “Cô năm nay bao nhiêu tuổi?”. “Dạ, thưa Bác! Năm nay con 20 tuổi ạ”, tôi đáp. Bác cười đôn hậu: “Hai mươi tuổi mà còn ít à. Bác làm mối cho được không?”.

Tôi đỏ bừng mặt, tay cứ vân vê tà áo, trong lòng vui mà không dám nói ra. Lát sau tôi  mới dám ngẩng lên nhìn  Bác và liếc sang anh Lý. Thấy tôi như vậy Bác cười và không nói về chuyện này nữa”, bà Thái kể lại.

Ít hôm sau bà Thái mới dám thừa nhận với đồng chí Nguyễn Lương Bằng: “Được Bác và các anh tác thành cho thì còn hạnh phúc nào bằng”.

dam-cuoi-bac-ho-lam-chu-hon-2
Bác Hồ cuốc đất, trồng rau trong vườn Phủ Chủ tịch năm 1957. Ảnh: TTXVN

Tết Dương lịch năm 1946, một đám cưới đơn giản của cô Trần Thị Thái – anh Nguyễn Văn Lý, được đích thân Bác Hồ đứng ra tổ chức, làm chủ hôn. Khách mời khi đó có các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… và một số người khác. Được Bác dặn dò từ trước, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đưa đến một chiếc bánh ga tô và một bó hoa hồng rất đẹp.

Hôm đó Bác rất vui, sau khi nâng cốc, Người đọc hai câu thơ: “Lễ cưới đơn giản nhưng vui vẻ, cốt là ở tấm lòng. Sau này đất nước ta giàu mạnh, đám cưới con các chú sẽ tổ chức đàng hoàng và vui hơn”.

dam-cuoi-bac-ho-lam-chu-hon-1
Gia đình bà Trần Thị Thái. Ảnh tư liệu

Nhớ lại ngày vui năm đó, bà Thái khi về già vẫn không khỏi xúc động. Nguyên cán bộ Cục Cảnh vệ cho biết, bà cảm thấy Bác Hồ khi ấy như một người Cha đang lo công việc trọng đại cho con cháu trong nhà, hoàn toàn không có khoảng cách giữa một vị Chủ tịch nước với chiến sĩ của mình.