Đời sống

Chuyện chưa kể về người vợ bị bệnh tật đeo bám của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nghẹn ngào mối tình đi vào lịch sử

Chuyện chưa kể về người vợ bị bệnh tật đeo bám của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nghẹn ngào mối tình đi vào lịch sử

Khi nói về Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Việt Phương đã phải nhận xét: “Ông không bao giờ làm thơ, nhưng đã sống một cuộc đời rất thơ”. Câu chuyện tình yêu của bác Tô và người vợ bệnh tật là minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Trước năm 1945, ngôi nhà 37 phố Cầu Gỗ, mặt sau thông ra phố Đinh Tiên Hoàng, cạnh Hồ Gươm có một hiệu kem nổi tiếng là Zéphyr. Đây chính là nhà của cụ Phạm Quang Hưng (thông phán ở Bưu điện Bờ Hồ). Ít ai biết, bên trong hiệu kem này, đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương vẫn chăm chỉ viết báo hàng ngày. Hai người sau đó cũng làm rể cụ Phạm Quang Hưng. Ông Nguyễn Kim Cương (về sau làm Thứ trưởng Phủ Thủ tướng, nay là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) lấy bà Phạm Thị Hồng, còn ông Phạm Văn Đồng lấy bà Phạm Thị Cúc.

Bà Phạm Thị Cúc và ông Phạm Văn Đồng cách nhau 20 tuổi, nhưng tâm hồn đồng điệu đến kỳ lạ. Họ nhanh chóng nảy sinh tình cảm rồi tổ chức đám cưới vào ngày 16/10/1946 ở căn nhà 86 phố Hàng Bạc – Hà Nội. Chủ hôn khi đó là Bác sĩ Trần Duy Hưng (Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội). Những khách mời tham dự có ông Phạm Quang Chúc, Tổng bí thư Trường Chinh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp…

vo-chong-thu-tuong-pham-van-dong-1
Lễ thành hôn của ông bà Phạm Văn Đồng - Phạm Thị Cúc (16-10-1946). Ảnh: Tư liệu KMS

Kết hôn xong, ông Phạm Văn Đồng khi đó là Bộ trưởng được cử làm Đặc phái viên của Trung ương Đảng ở Nam Trung Bộ và Liên khu V. Vì không tiện nên ông để vợ lại Hà Nội, dù trước đó từng hứa đi làm cách mạng ở đâu cũng sẽ đưa bà đi cùng. Dù không vui, người vợ trẻ cũng chỉ biết gửi gắm tâm sự qua những câu thơ nổi tiếng: “Đi đâu cho Cúc theo cùng/ Ấm no Cúc chịu, lạnh lùng Cúc cam”.

Thương hoàn cảnh vợ chồng ông xa nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép bà Phạm Thị Cúc vào đoàn tụ với chồng. Bà đã đi bộ vượt Trường Sơn trong 5 tháng ròng rã để vào Quảng Ngãi, quê chồng. Vợ chồng đoàn tụ chưa ấm chỗ thì cũng là lúc ông được lệnh ra Bắc, bà lại vượt Trường Sơn ra Bắc. Những hành trình dài vất vả như thế khiến bà phát bệnh.

vo-chong-thu-tuong-pham-van-dong-3
Ông bà Phạm Văn Đồng - Phạm Thị Cúc tại Quảng Ngãi (1948). Ảnh: Tư liệu KMS

Bà Cúc phát bệnh từ khi còn rất trẻ, không được hưởng cuộc sống hạnh phúc bên chồng con. Nhưng bà vẫn là một người phụ nữ may mắn khi được chồng yêu thương hết mực, chăm sóc đến khi già yếu.

Năm 1951, con trai của ông bà ra đời, bệnh của bà Cúc có dấu hiệu trở năng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đành đưa con vào Phủ Chủ tịch sống, để vợ sống ở căn biệt thự tại phố Khúc Hạo. Hàng tuần, hai bố con họ lại vài lần đến thăm bà Cúc. Mỗi lần gặp vợ, bác Tô lại ngồi bên giường bệnh của bà nắm tay âu yếm, chải lại mái tóc.

Nói về bệnh tình của mẹ, Thiếu tướng Phạm Sơn Dương trải lòng: “Má của tôi bị bệnh nặng, vì trong chiến tranh, má tôi phải chịu đựng một thời gian dài xa cách và thương nhớ, vì lo lắng cho ba tôi quá nhiều, vượt quá sức chịu đựng của người phụ nữ như má, cho nên khi má bị bệnh, ba tôi ân hận lắm. Ba đã lo cho má đi chữa nhiều nơi, nhiều cách và đi chữa ở nước ngoài vẫn không khỏi. Ba tôi kể lại nguyên nhân chính là hồi năm 1946, khi ba tôi vào Nam Trung bộ đã không cho má tôi đi cùng, thực ra hoàn cảnh không cho phép và cũng sợ không an toàn”.

vo-chong-thu-tuong-pham-van-dong-2
Bà Phạm Thị Cúc (giữa) khi được lực lượng công an đến nhà riêng làm CMND mới vào tháng 7-2015. Ảnh: ANTĐ

Nhiều người khuyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng lấy vợ khác nhưng ông gạt phắt đi. Ông quyết định ở lại bên người vợ bệnh tật của mình, trọn vẹn nghĩa tình với bà. Thậm chí những năm cuối đời, bác Tô còn hy vọng vợ sẽ “đi trước” ông, để ông được lo cho bà tươm tất, trọn vẹn. Có như vậy thì ông mới thấy thanh thản sau cả cuộc đời nợ bà. Thế nhưng, cuối cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại đi trước, đành để con trai Phạm Sơn Dương chăm sóc bà Cúc trong quãng đời còn lại.