Vị tướng tài ba từng được in hình lên tem Bưu chính Việt Nam, có hàng nghìn đứa con trên cả nước
Sinh thời, vị tướng này là Thứ trưởng thường trực đầu tiên của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Ông được mệnh danh là một trong những tướng chỉ huy tài ba nhất của Việt Nam.
Quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng tự hào là quê hương của một vị tướng chỉ huy tài hoa bậc nhất Việt Nam - Hoàng Thế Thiện (1922–1995). Ông tên thật là Lưu Văn Thi, con của cụ Lưu Văn Ngữ (nhà Nho, đầu bếp giỏi ở Hải Phòng). Cha của tướng Thiện là người yêu nước, từng tham gia tổ chức đưa người sang Trung Quốc cho cụ Phan Bội Châu, sau còn sáng lập Hội Ái hữu công nhân tư gia tại Hải Phòng.
Ảnh hưởng lớn từ cha, đồng chí Hoàng Thế Thiện sớm tham gia hoạt động yêu nước trên khắp cả nước. Ông từng bị địch bắt giam, nhận án 5 năm tù khổ sai tại Hỏa Lò, sau chuyển lên Sơn La, chịu đủ khổ cực. Bất chấp tất cả, người đàn ông này vẫn giữ vững tinh thần, ý chí sắt đá, trung thành tuyệt đối với cách mạng.
Một trong những cột mốc lớn trong cuộc đời binh nghiệp của tướng Hoàng Thế Thiện là tháng 4/1947. Khi đó ông đảm nhận vị trí Phái viên Chính trị khu 10, sau đó được điều vào Quân đội nhân dân Việt Nam và giữ chức Trưởng phòng Chính trị Liên khu 10 – Quân khu ủy viên.
Nói đến Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là phải nói đến việc giải phóng quận lỵ Dầu Tiếng, tiến công địch tại An Lộc – Chơn Thành, cùng toàn Quân đoàn 4 thực hành trận đánh 12 ngày đêm ở Xuân Lộc, đặc biệt là chỉ huy một trong năm cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Ngoài ra, giai đoạn 1978 – 1982, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện còn có thời gian thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Nhờ những công lao, ông được Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Hoàng gia Sahametrei hạng Nhất.
Tướng Hoàng Thế Thiện còn đặc biệt ở chỗ, ông không chỉ là tướng chỉ huy tài ba trên trận mạc mà còn là người giàu lòng nhân ái, hết lòng vì cộng đồng. Tháng 2/1987, ông làm Thứ trưởng thường trực đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện cũng là người đại diện cho Chính phủ Việt Nam đàm phán và ký hiệp định với Làng trẻ em SOS Quốc tế về việc thành lập Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Những ngày đầu chỉ có Làng trẻ em SOS Mai Dịch tại Hà Nội, còn hiện tại đã phát triển thành hệ thống Làng trẻ em SOS ở 17 tỉnh, thành. Ghi nhận công lao to lớn của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trong việc đưa Làng trẻ em SOS trở lại Việt Nam, năm 1989, Ban Lãnh đạo Viện Hermann Gmeiner thuộc Làng trẻ em SOS Quốc tế đã trao tặng ông “Kim vàng danh dự”. Trong khi đó, Chủ tịch danh dự Làng trẻ em SOS Quốc tế Helmut Kutin thì nhận xét ông là “người cha rất đỗi nhân văn của hàng ngàn trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa ở Việt Nam”.
Sau khi Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện qua đời, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem Chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện (1922 – 1995). Đồng thời, nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng đều có thành phố mang tên vị tướng này.