Đời sống

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Việt Nam: Đích thân Bác Hồ trao trọng trách, được thế giới nể trọng

 Không nhiều người biết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là vị Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ. Sau 1 năm đảm nhận trọng trách này ông mới chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nói đến một trong những vị tướng được lòng dân nhất, nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Tên tuổi của ông còn vươn ra thế giới, được nhiều bạn bè quốc tế nể trọng. Thế giới ghi nhận vị tướng này là “Chuyên gia vĩ đại về chiến tranh nhân dân” và là “Bậc thầy đỉnh cao của chiến tranh du kích”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người duy nhất ở nước ta được phong thẳng hàm Đại tướng ngay trong đợt phong hàm đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (năm 1948).

Nhưng có lẽ nhiều người còn chưa biết, năm 34 tuổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của nước ta. 1 năm sau đó, ông mới trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

dai-tuong-vo-nguyen-giap-4
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Tháng 8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được thành lập. Trong số 13 bộ khi đó có Bộ Nội vụ. Bộ này có vai trò vô cùng quan trọng trong tham mưu cho Chính phủ xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và là đầu mối phối hợp hoạt động của các bộ.

Người đầu tiên được Bác Hồ tin tưởng giao quyền làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong bối cảnh chính quyền mới thành lập, nhiệm vụ này được đánh giá hết sức nặng nề, quan trọng, liên quan đến sống còn của cơ cấu tổ chức Chính phủ.

dai-tuong-vo-nguyen-giap-3
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ hai bên phải) gặp mặt Đoàn đại biểu Anh hùng Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang quân Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, ngày 11/01/1965. Ảnh tư liệu

Dù chỉ làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong thời gian rất ngắn (từ 28/8/1945 đến 31/12/1945) nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp công lớn vào tổ chức bộ máy nhà nước. Ông đã tham mưu cho Chính phủ ban hành hơn 100 Sắc lệnh, trong đó có 52 Sắc lệnh là ông trực tiếp ký. Đáng chú ý nhất phải kể đến sắc lệnh bỏ thuế thân. Đây là loại thuế vô lý, trái ngược với tinh thần chính thể cộng hòa dân chủ. Việc bãi bỏ nó sẽ giúp người dân bớt gánh nặng, hợp với công lý.

Ngoài ra còn có thể kể đến sắc lệnh số 3 tuyên bố “thiết quân luật tại Hà Nội” nhằm giữ an toàn cho ngày Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945). Người dân bị cấm đi lại trên phố từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Không ai được mang khí giới, trừ những người có giấy phép.

Sau ngày độc lập, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ - Võ Nguyên Giáp đã ban hành nghị định đặt lại giờ chính thức ở Việt Nam. Từ ngày 1/9/1945, giờ chính thức trên toàn quốc được lùi lại 2 giờ so với giờ được quy định trong nghị định của chính quyền cũ. Ngoài ra, sắc lệnh số 5 do ông Võ Nguyên Giáp ký cũng bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam là “Quốc kỳ hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài, nền màu đỏ tươi, ở giữa có sao 5 cánh màu vàng tươi”.

dai-tuong-vo-nguyen-giap-1
Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngồi). Từ trái sang phải: Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp sau ngày bầu cử 6/1/1946. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy phải phụ trách việc lập Ban dự thảo Hiến pháp. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, không lâu sau vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên cùng Ban soạn thảo đã trình Quốc hội thông qua Hiến pháp 1946 – đạo luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đóng góp lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời kỳ này không thể không kể đến việc ông ký các sắc lệnh “thiết lập những lớp học bình dân vào buổi tối cho nông dân và thợ thuyền”, “bắt buộc học chữ quốc ngữ và không phải mất tiền cho tất cả mọi người”.

Dựa theo sắc lệnh này, trong vòng 1 năm, toàn thể người dân Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc và viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, ai không biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ sẽ bị phạt tiền.

dai-tuong-vo-nguyen-giap-2
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đứng bên trái hàng đầu. Ảnh tư liệu

Ở cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ví như cánh chim đầu đàn trước giông tố, người có tầm nhìn xa, khả năng quan sát biến động. Đại tướng từng nói: “Trong Chính phủ, bộ nào cũng quan trọng, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ xây dựng, quản lý hệ thống tổ chức và cán bộ bộ máy chính quyền, nên nhiệm vụ càng nặng nề và rất quan trọng”. Là người đứng đầu, đặt cơ sở đầu tiên cho “bộ rất quan trọng” đó, áp lực của ông là vô cùng lớn. Dẫu vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn làm tốt, cống hiến tận lực cho dân tộc.