Đời sống

Tiết lộ về sân bay đầu tiên của Bộ Công an: Nằm ở vị trí đắc địa, thuộc tỉnh nhỏ nhất Việt Nam

Tiết lộ về sân bay đầu tiên của Bộ Công an: Nằm ở vị trí đắc địa, thuộc tỉnh nhỏ nhất Việt Nam

Sân bay đầu tiên của Bộ Công an Việt Nam sẽ nằm ở tỉnh nhỏ nhất nước ta. Nơi này chỉ cách Hồ Gươm 40 km, nằm giữa 4 thành phố.

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Chính phủ ban hành vào tháng 6/2023 có nhắc đến sân bay Gia Bình của Bộ Công an. Dự án sân bay này đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Sân bay Gia Bình được đưa vào danh mục các sân bay tiềm năng và duyệt quy hoạch bổ sung chính thức khi đủ điều kiện, đúng thẩm quyền để thực hiện ngay.

Đến tháng 1/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra quyết định phê duyệt Quy hoạch vị trí sân bay trực thăng Trung đoàn Không quân Công an nhân dân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an.

san-bay-gia-binh-1
Khu vực quy hoạch dự kiến của sân bay Gia Bình. Ảnh: Ngọc Đẹp

Theo Bộ Công an, kế hoạch xây Cảng hàng không Gia Bình ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh là để phục vụ hoạt động của lực lượng Không quân Công an nhân dân. Sân bay này dự kiến có diện tích 125 ha, đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới hàng không quốc gia như một sân bay chuyên dụng.

Xét về vị trí, sân bay Gia Bình dự kiến cách Hồ Gươm (Hà Nội) và thành phố Bắc Giang khoảng 40km, cách thành phố Bắc Ninh và thành phố Hải Dương khoảng 25km.

Khi hoàn thiện, sân bay Gia Bình sẽ được xếp hạng sân bay trực thăng cấp 3, sân bay quân sự cấp 3 và sân bay dân dụng cấp 3C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Đề xuất sân bay này sẽ có một đường băng kích thước 1.500m x 36m, một đường lăn song song và các sân đỗ phù hợp cho hai phi đội trực thăng của trung đoàn, cùng với các cơ sở điều hành bay khác.

san-bay-gia-binh-2
Ảnh minh họa sân bay Gia Bình trong tương lai do ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.

Sân bay Gia Bình sẽ có nhiệm vụ chính là phục vụ đào tạo bay và tính chiến đấu cho các đơn vị của Trung đoàn Không quân Công an nhân dân trên các loại máy bay trực thăng. Sân bay của Bộ Công an sẽ cùng hỗ trợ các hoạt động bay quân sự khác, cùng một số hoạt động hàng không dân dụng.

Không chỉ vậy, sân bay này còn như một sân bay dự bị cho các hoạt động bay quân sự và dân sự khác, đáp ứng các tiêu chuẩn cho phép máy bay hạ cánh, cất cánh an toàn.

Ngoài ra, sân bay Gia Bình có khả năng còn tham gia vào phục vụ các ngành công nghiệp khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch, xây dựng… hay phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp, nghiên cứu khoa học và văn hóa…

san-bay-gia-binh-3
Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT.

Nếu được phép, sân bay Gia Bình có thể phục vụ như một điểm dự bị cho các sân bay trong khu vực khi có tình huống khẩn cấp. Nơi đây có khả năng đón nhận các loại máy bay như ATR 72 hay trực thăng Mi-8, Mi-171 và máy bay vận tải Casa-295, đồng thời có thể đảm bảo cho các loại máy bay chiến đấu như Su-27 và Su-30 cất cánh và hạ cánh trong các tình huống khẩn cấp cần thiết.

Sáng 27/6 vừa qua, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về một số nội dung liên quan đến việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2023.

Đáng chú ý, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 18.220 tỉ đồng dự phòng nguồn ngân sách T.Ư tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2023; trong đó, bố trí 1.000 tỉ đồng thực hiện dự án sân bay Gia Bình.