Đời sống

Gia đình hiếm hoi ở Việt Nam có 2 anh em cùng làm tướng quân đội nổi tiếng cả nước

Gia đình hiếm hoi ở Việt Nam có 2 anh em cùng làm tướng quân đội nổi tiếng cả nước

Gia đình này là một trong số ít những trường hợp anh em trong nhà đều làm tướng quân đội. Ngoài ra những anh chị em khác của họ cũng là người có công với cách mạng, đóng góp lớn trong quá trình đấu tranh và bảo vệ nền độc lập của Việt Nam.

Nói đến những gia đình có anh em làm tướng lĩnh trong quân đội ở Việt Nam, có thể kể đến gia đình cụ Đoàn Cầu và cụ Nguyễn Thị Dương (Họ có 8 người con, trong đó nổi bật là Đại tướng Đoàn Khuê và Trung tướng Đoàn Chương); gia đình cụ Nguyễn Hữu Khoán và cụ Đặng Thị Cấp (họ có 7 người con, nổi bật là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh). Đáng chú ý không kém là trường hợp gia đình cụ Vũ Thị Hồi với hai người con trai là Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp và Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm.

Ở thôn Đồng Xa, xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, mẹ Vũ Thị Hồi là người mà gần như già, trẻ, lớn, bé đều biết. Bà được xem là hình mẫu của một bà mẹ Việt Nam thời chiến tranh. Năm 1944, sau khi chồng mất, mẹ Hồi một mình tần tảo nuôi dạy 11 người con (lớn nhất 16 tuổi, bé nhất 1 tuổi). Khó khăn và vất vả là điều không thể tránh khỏi, nhưng mẹ vẫn dạy dỗ họ nên người, vun đắp tình yêu nước cho các con.

11 người con của mẹ Hồi sau này đều tham gia cách mạng, trở thành cán bộ của Đảng, Nhà nước, quân đội. Trong đó có 2 vị tướng nổi tiếng của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp và Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm.

nha-co-2-vi-tuong-2
Đại tướng Chu Huy Mân (thứ ba, hàng đầu từ trái qua) và Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (ngoài cùng bên phải) cùng một số cán bộ chiến sĩ của Binh đoàn Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (1928 – 2008), bí danh là Đặng Hùng. Ông từng học tại Trường Bưởi, sau này gác bút nghiên ra trận, tham gia hoạt động cách mạng. Tướng Hiệp không chỉ là một nhà chính trị, một vị tướng trận mạc mà còn là người sắc sảo trong vai trò chỉ đạo Công tác Đảng – Công tác chính trị nói chung và Công tác chính sách nói riêng ở cấp Chiến lược.

nha-co-2-vi-tuong-4
Đồng chí Trần Thế Môn bàn giao chức Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên cho đồng chí Đặng Vũ Hiệp (20/11/1973). Ảnh tư liệu

Suốt kháng chiến chống Mỹ, ông dành hơn 10 năm lăn lộn tại chiến trường Tây Nguyên, góp công lớn cùng các đơn vị giành thắng lợi trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn bằng trận Buôn Ma Thuột. Sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp tiếp tục cống hiến ở nhiều cương vị khác nhau. Đặc biệt, ông chính là người khởi xướng ý tưởng xây dựng chính sách “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trước khi về hưu.

nha-co-2-vi-tuong-3-min
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp. Ảnh tư liệu

Đến cả khi đã nghỉ hưu, vị tướng này vẫn tiếp tục giúp đỡ, đấu tranh bảo vệ quyền lợi, công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Mục tiêu lớn nhất của ông là góp phần làm vơi đi nỗi đau của người chịu di chứng tàn khốc từ chất độc da cam trong chiến tranh.

Em trai tướng Hiệp là Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm. Lớn lên trong cảnh chiến tranh bom đạn, được mẹ và các anh chị vun đắp tình yêu nước từ nhỏ, ông sớm nhập ngũ và cống hiến hết sức mình. Nói về tướng Liêm là nói đến Cao Bằng. Thời gian làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, ông trải qua rất nhiều gian khổ nhưng cũng được rèn luyện toàn diện nhất.

nha-co-2-vi-tuong-1
Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm, Đại biểu Quốc hội Khóa X, Phó Tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên phòng (1996-2004). Ảnh: Tư liệu

Bấy giờ, Cao Bằng là một “điểm nóng” với nhiều vấn đề nổi cộm cả về bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự khu vực biên giới. Trong 3 năm ở Cao Bằng, Thiếu tướng Đặng Vũ Liêm đã xây dựng được "Biên giới lòng dân", phải thực hiện tốt kế sách mà cha ông ta đã tổng kết, với phương châm: "Giữ dân để giữ nước, giữ nước gắn liền với giữ dân". Đến ngày rời đi, ông vẫn được bà con tỉnh Cao Bằng nhớ và quan tâm, dành tặng cho tình cảm đặc biệt.