Đời sống

Gia đình nhiều tướng lĩnh nhất Việt Nam: 3 người làm tướng, 17 người mang hàm tá hoặc làm chỉ huy cấp cao

Gia đình nhiều tướng lĩnh nhất Việt Nam: 3 người làm tướng, 17 người mang hàm tá hoặc làm chỉ huy cấp cao

Ở Việt Nam, đây có lẽ là một trong những gia đình có nhiều tướng nhất Việt Nam. Tính đến hiện tại, gia đình họ có 3 người làm tướng, 17 người mang hàm cấp tá hoặc làm chỉ huy cấp cao.

Nằm ở Thôn Trung, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình có một ngôi làng nhỏ ven sông Gianh. Đây chính là quê hương của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (tên thật Nguyễn Hữu Vũ, 1923 – 2019), vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất (1967 – 1975). Ông cũng là một trong hai vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lê Trung tướng.

trung-tuong-dong-sy-nguyen-7
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ảnh: Internet

Nói về tướng Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: "Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là một trong những vị tướng tiêu biểu của Quân đội ta. Tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong những người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết gần gũi suốt cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc mà tôi rất tin và quý mến".

trung-tuong-dong-sy-nguyen-1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Hỏi người dân ai cũng biết nhà thờ của gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở đâu. Nhưng nếu là lần đầu đến đây, ai cũng phải bất ngờ vì không nghĩ một trong những gia đình có nhiều tướng lĩnh nhất Việt Nam lại nhỏ nhắn, nằm khuất trong ngõ bé như vậy.

Mẹ của tướng Đồng Sỹ Nguyên là cụ Đặng Thị Cấp. Bà xuất thân là hậu duệ của thủ lĩnh phong trào Cần Vương. Cụ Cấp xứng đáng là hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam xưa khi có công nuôi dưỡng các cán bộ cách mạng và sinh ra 7 người con đều có công với cách mạng thời tiền khởi nghĩa.

trung-tuong-dong-sy-nguyen-2
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng đoàn công tác khảo sát tuyến đường biên giới phía Bắc. Ảnh tư liệu

Tướng Nguyên là người con thứ 5 trong gia đình, mất cha từ sớm nhưng được mẹ nuôi nấng nên người và sớm tham gia cách mạng. Năm 15 tuổi ông đã được kết nạp Đảng, sau đó tham gia nhiều chiến trường ác liệt như Trường Sơn, Quảng Trị, đường 9 Khe Sanh, Nam Lào… Dù là ở cương vị nào, chức vụ gì, tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn hoàn thành xuất sắc, không ngại khó, ngại khổ bao giờ.

trung-tuong-dong-sy-nguyen-3
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong một lần đến thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Đáng nói, trong gia đình tướng Nguyên, ngoài ông ra thì còn nhiều người khác cũng ở trong ngành quân đội hoặc công an. Cụ thể, em trai tướng Nguyên là Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, nguyên Phó viện trưởng, Bí thư Đảng ủy Học viện Hậu cần, Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng. Ông còn có một người cháu nội là Trung tướng Nguyễn Hữu Cường (con trai của ông Nguyễn Hữu Lượng). Tướng Cường nguyên là Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội khóa XI.

Ngoài ra, còn có 17 người mang hàm cấp tá hoặc là chỉ huy cấp cao trong lực lượng vũ trang; nhiều con cháu, dâu rể đang công tác tại các vị trí quan trọng trong các sở, ngành.

trung-tuong-dong-sy-nguyen-4
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đang giới thiệu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp sơ đồ của chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971. Ảnh tư liệu

Đừng nghĩ xuất thân trong gia đình có nhiều cán bộ cấp cao là con cháu sẽ được ưu ái. Một người cháu của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là Đại tá Nguyễn Hữu Thọ - nguyên Chủ nhiệm Chính trị công binh Quân khu 7 tiết lộ: “Tôi tốt nghiệp ra trường Sỹ quan năm 1984 là có quyết định điều sang chiến trường Campuchia để chiến đấu. Anh tôi, em trai tôi cũng đều có lệnh ra chiến trường nước ngoài. Lúc đó, mẹ tôi xót con, nhờ chú Nguyên tạo điều kiện cho một đứa ở lại chiến đấu trong nước, nhưng chú nói: Cứ để các cháu đi cho trưởng thành”.

Ngay chính với con cháu của tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng không có sự ưu tiên nào. Ông có 4 con trai, 2 con gái nhưng không ai được bố giúp vào ngành. Thậm chí, năm 1979, khi con trai út Nguyễn Tiến Quân chuẩn bị du học tại Liên Xô, ông vẫn mang cậu tham gia chiến trường biên giới.

Nhưng với con cháu của vị tướng huyền thoại, chính cách giáo dục nghiêm khắc của bậc cha chú đã giúp họ trưởng thành hơn.