Thân thế vị Đại tướng thứ hai của QĐND Việt Nam: Là tướng chính trị đầu tiên, được Bác Hồ đặt tên
Sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông trở thành người thứ hai mang hàm Đại tướng. Bên cạnh đó, ông còn là vị tướng chính trị đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong danh sách 16 vị Đại tướng tính đến thời điểm hiện tại của Quân đội nhân dân Việt Nam, người đứng ở vị trí đầu tiên là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông được phong quân hàm Đại tướng vào năm 1948. Đứng thứ hai là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhận quân hàm Đại tướng vào năm 1959.
Điều đặc biệt là, cả hai vị Đại tướng này đều đến từ vùng quê Bình Trị Thiên và không ai theo học quân sự từ đầu. Tuy nhiên, cũng có những điểm trái ngược đầy thú vị. Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân trí thức, lại trở thành quan võ, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xuất thân từ nông dân lại thành quan văn, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng chính vì thế mà ngoài là Đại tướng thứ hai, ông còn là vị tướng chính trị đầu tiên của quân đội ta.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 – 1967), quê ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Vịnh. Ông là con thứ 6 trong 1 gia đình thuần nông có 11 người con. Năm 14 tuổi, sau khi cha qua đời, đồng chí Nguyễn Vịnh phải bỏ học đi làm thuê kiếm tiền nuôi gia đình.
Từ năm 1934, đồng chí bắt đầu tham gia cách mạng và lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng. Bất kể là khi hoạt động bí mật, bị bắt giam hay sau này trở thành lãnh đạo cấp cao, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn cống hiến hết mình, kiên cường, không sợ khổ cực. Ông trở thành “di sản tinh thần” quý giá của Đảng, quân đội và dân tộc Việt Nam.
Tháng 8/1945, tại Hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào, đồng chí Nguyễn Vịnh chính thức được Bác Hồ đặt cho tên mới: Nguyễn Chí Thanh. Cái tên Nguyễn Chí Thanh cũng từ đó mà trở thành một phần lịch sử dân tộc ta.
Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là vị lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam mà còn rất gần dân, thương dân. Ông là vị tướng hiếm hoi được mọi người gọi với danh xưng đầy gần gũi: “Đại tướng nông dân”. Đi đến đâu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng không ngại lăn xả, cùng dân làm, gắn bó với dân.
Có một câu chuyện rất thú vị về vị “tướng nông dân” này. Năm 1951, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vừa nhận chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và cùng đơn vị đi Chiến dịch Hòa Bình. Trên đường hành quân qua suối, ai cũng xắn quần lội qua, chỉ có một cán bộ cấp đại đội hay tiểu đoàn gì đó loay hoay mãi. Thấy có một người trong đoàn khỏe mạnh, da ngăm đen, mặc bộ đồ bạc màu giống hệt công nhân đi qua. Cán bộ này liền gọi lại và “nhờ vả”: “Ông chịu khó cõng mình qua suối một tí”.
Người đàn ông này vui vẻ nhận lời. Qua đến bên kia suối, vị cán bộ định cảm ơn thì thấy bác nông dân đứng thẳng lưng, mặt nghiêm lại: “Cậu biết tớ là ai không?”. Cán bộ kia chưa kịp suy nghĩ thì người này tiếp lời: “Tớ là Nguyễn Chí Thanh – Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Hôm nay tớ giúp cậu vì xét ra cậu cũng cần giúp nhưng nhớ lần sau đừng bắt người khác cõng như thế nữa nhé”.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (đầu tiên, bên phải) cấy lúa với bà con xã viên Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Lý Ninh, tháng 1-1962. Ảnh tư liệu
Cũng là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào 3 năm sau. Miền Bắc khi đó đã hoàn toàn giải phóng, cơ quan có ý định bố trí cho ông một căn biệt thự sang trọng ở hồ Trúc Bạch. Thấy vậy, Đại tướng từ chối và nói: “Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, khó tránh khỏi chớm nở trong bộ đội tư tưởng đòi hưởng thụ. Mình ở nhà sang quá thì khó gần gũi anh em, mà có khi muốn nói điều cần nói cũng khó lọt tai người nghe”.
Đến cả những vật dụng cơ bản như tủ, giường cũng được ông ra lệnh phân phối cho anh em còn thiếu thốn, bản thân chưa cần đến. Trung tướng Đoàn Chương, nguyên thư ký riêng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kể về vợ Đại tướng như sau: “Chị là vợ một cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhưng tuyệt nhiên chị không bao giờ cậy thế chồng để lên mặt "bà chủ" với anh em phục vụ. Điều đó một phần do bản chất đôn hậu của chị, một phần quan trọng là do thái độ của anh Thanh. Anh chúa ghét những thói ấy”.
Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Cúc tại Hà Nội, năm 1957. Ảnh tư liệu
Sau này, vào ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng xúc động nói: “Chúng ta mất một con đại bàng trên trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng, lại thấy được cái rất cụ thể trên mặt đất”.
Còn trong tham luận đọc tại Hội thảo nhân 30 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ngày 5/7/1997, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Nhớ tới anh Thanh, tôi tưởng nhớ và vô cùng thương tiếc một người bạn chiến đấu thân thiết, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một tướng lĩnh tài ba của quân đội ta, người đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam ta”.