Khám phá mới

Trận đánh của pháo binh Việt Nam khiến quân Pháp kinh hồn bạt vía, tướng đứng đầu phải tự kết liễu vì bất lực

Trận đánh của pháo binh Việt Nam khiến quân Pháp kinh hồn bạt vía, tướng đứng đầu phải tự kết liễu vì bất lực

Cho đến mãi về sau, khi nhắc về trận đánh lịch sử đó, người Pháp vẫn không khỏi rùng mình. Dù chỉ là một lực lượng non trẻ trên thế giới, Pháo binh Việt Nam vẫn khiến kẻ thù phải khiếp sợ, tướng giặc thậm chí còn chọn cái chết trong danh dự vì quá bất lực.

Ngược dòng lịch sử, tháng 12/1953, De Castries nhận chức Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tham vọng biến nơi đây thành cái bẫy khổng lồ thu hút cộng sản Việt Nam để tiêu diệt. Từ đó chúng muốn kết thúc chiến tranh, bình ổn Đông Dương. Trong số những tướng lĩnh cấp cao của Pháp được gửi lên đây, có Charles Piroth, một chỉ huy pháo binh nổi tiếng với kinh nghiệm trận mạc phong phú, tài năng vượt trội.

dien-bien-phu-5
Binh chủng Pháo binh Việt Nam được coi là “sinh sau đẻ muộn” trên thế giới, thế nhưng không thiếu những trận đánh làm kẻ thù khiếp sợ. Ảnh tư liệu

Trên thực tế, người Pháp khi đó rất tự hào về lực lượng pháo binh của mình và sự có mặt của tướng Piroth. Bản thân tướng chỉ huy pháo binh này cũng tuyên bố ngay trước trận Điện Biên Phủ rằng: “Tôi sẽ không để bất kỳ khẩu pháo nào của Việt Minh được bắn quá ba phát”.

dien-bien-phu-1
Trước khi bước vào trận chiến, pháo binh của Việt Nam không được đánh giá cao bằng pháo binh của quân Pháp. Ảnh tư liệu

Vị tướng Pháp này huênh hoang như vậy là có cơ sở. Hắn vẫn tin rằng Việt Minh không thể nào đưa được những khẩu pháo nặng nề như vậy lên Điện Biên Phủ rồi cất giấu mà không bị phát hiện. Còn nếu đó chỉ là những khẩu pháo nhẹ thì không đáng để tâm, hoàn toàn có thể bị quân Pháp kiểm soát với loạt vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất thời bấy giờ.

dien-bien-phu-4
Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 8/5/1954) về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương. Ảnh tư liệu

Nhưng Piroth lẫn quân Pháp đều không ngờ được rằng phía Việt Minh chẳng những kéo pháo lên, mà còn kéo lên hẳn đồi cao theo chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quân và dân Việt Nam đã tháo rời từng bộ phận pháo, khuân vác vào thung lũng Điện Biên rồi mới ghép lại. Cách làm khôn ngoan này khiến người Pháp thật sự ngỡ ngàng.

 

dien-bien-phu-7
Người Pháp không bao giờ nghĩ rằng Việt Minh sẽ kéo được những khẩu pháo nặng hàng tấn lên Điện Biên Phủ, qua mặt mình một cách đơn giản như vậy. Ảnh tư liệu
dien-bien-phu-2
Quân Việt Minh đã tháo rời từng khẩu pháo để dễ di chuyển, sau đó mới lắp lại khi vào đến thung lũng. Ảnh tư liệu
dien-bien-phu-3
Quân và dân ta đồng lòng kéo pháo lên đồi cao trong trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

17h ngày 13/3/1954, Việt Minh nổ phát súng đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho cuộc tiến công thứ nhất vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Piroth được lệnh phản pháp ngay lập tức. Nhưng tướng pháo binh này hoàn toàn hoảng loạn bởi không thể phát hiện được bất cứ vị trí nào của những khẩu pháo đang nhả đạn. 22h30, quân Việt Minh tràn ngập Him Lam, kiểm soát hoàn toàn cứ điểm này, tuyến phòng thủ ngoại vi kiên cố là niềm tự hào của quân Pháp chính thức bị phá vỡ.

Sáng sớm 15/3/1954, Việt Minh tiến công vào sườn phía Bắc và phía Nam cứ điểm Độc Lập và sau hơn 3 giờ giằng co, quân to chiếm được cứ điểm này. Trong sáng hôm đó, Piroth rơi vào khủng hoảng trầm trọng sau 2 đêm bất lực nhìn lực lượng pháo binh của Việt Minh làm mưa làm gió ngay tại cứ điểm của mình.

dien-bien-phu-6
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó đã quyết định kéo pháo lên đồi cao để bắn chuẩn hơn, việc này tuy vất vả nhưng lại đạt được kết quả rất tốt. Ảnh tư liệu

Sau này, chính De Castries kể lại về Piroth như sau: “Piroth người bị lên án khắp nơi, nay đã trở thành kẻ thân tàn ma dại”. Tư lệnh của quân đội Pháp phải thừa nhận trong bức thư gửi về cho tướng Cogny rằng: “Khả năng chuẩn bị của pháo binh Việt Minh nhắc tôi nhớ về những ngày tồi tệ tại Italia, không tuyệt vời chút nào cả”.

Bạn thân Piroth kể lại, sau khi cứ điểm Độc Lập bị Việt Minh chiếm được, vị tướng này khóc: “Mình đã mất hết danh dự. Mình đã bảo đảm với De Castries và tổng chỉ huy sẽ không để pháo binh địch giành vai trò quyết định và bây giờ ta sẽ thua trận. Mình đi thôi”.

dien-bien-phu-9
Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ảnh tư liệu

Cuối cùng, rạng sáng 15/3, Piroth đã chọn cách tự kết liễu bằng lựu đạn, coi như một cách để cứu vớt danh dự của mình. Phía De Castries đã cố gắng che giấu sự việc này, tuyên bố Piroth ra đi vì một trận pháo kích để binh sĩ không bị mất tinh thần. Căn hầm mà Piroth trút hơi thở cuối cùng cũng bị lấp đi, tin tức chỉ được báo lại cho vị chỉ huy ở Hà Nội.

dien-bien-phu-8
Tướng De Castries cùng Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống vào chiều 7/5/1954. Ảnh tư liệu

Đã hàng thập niên trôi qua, nhưng mỗi khi nhắc về trận Điện Biên Phủ, người ta lại nhắc về sự kiêu ngạo của quân Pháp khi mới bắt đầu, và vụ tự kết liễu của Piroth trong hổ thẹn, đau đớn. Nhưng có lẽ Piroth cũng không thể ngờ rằng, đến ngày 7/5/1954, De Castries cùng các sĩ quan cao cấp người Pháp ở Điện Biên Phủ còn bẽ bàng ra đầu hàng quân đội Việt Nam.