Khám phá mới

Thân thế vị Đại tướng toàn tài của QĐND Việt Nam: 18 tuổi vào Đảng, bị anh trai giận 4 năm vì không lo việc cho cháu

Thân thế vị Đại tướng toàn tài của QĐND Việt Nam: 18 tuổi vào Đảng, bị anh trai giận 4 năm vì không lo việc cho cháu

Mỗi khi nhắc về vị Đại tướng này, nhiều đồng đội, cấp dưới, người dân lại dành sự trân trọng, yêu quý đặc biệt cho ông. Cả cuộc đời của Đại tướng dành trọn cho dân tộc, từ thời chiến đến khi hòa bình được lập lại.

Trong Quân đội nhân dân Việt Nam có một vị Đại tướng nổi tiếng toàn tài. Thời chiến ông cầm quân đánh giặc, trải qua 3 cuộc chiến tranh lớn của dân tộc, lập hàng loạt chiến tích. Khi hòa bình lập lại, ông là người lãnh đạo đất nước giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới. Người được nhắc đến là Đại tướng Lê Đức Anh (1920 – 2019).

Nói về Đại tướng Lê Đức Anh, sinh thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng viết: “Ngần ấy thời gian biết về anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc ở cấp lãnh đạo Nhà nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân; một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước... Công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh. Với ngần ấy công sức, tâm lực, cống hiến cho đất nước và dân tộc, anh xứng đáng được trân trọng”.

dai-tuong-le-duc-anh-1
Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: Báo Nhân Dân

Quả thật vậy, có quá nhiều điều về Đại tướng Lê Đức Anh khiến mọi người phải cảm phục, kính nể. Cuộc đời ông là quãng thời gian cống hiến không biết mệt mỏi, dành trọn cho Tổ quốc. Trong quân đội, Đại tướng đã công tác, chiến đấu nhiều mặt trận từ Nam ra Bắc. 2 lần ông đi tàu không số vào Nam (năm 1963) và ra Bắc (cuối năm 1973). Ông còn đích thân chỉ huy nhiều chiến dịch lớn như Tổng tiến công mùa Xuân 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh, là người chỉ huy cánh quân Tây Nam đánh vào Sài Gòn vào tháng 4/1975.

Đại tướng Lê Đức Anh còn từng làm Tư lệnh Quân khu 9, Quân khu 7, Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp người dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Khơ Me đỏ.

dai-tuong-le-duc-anh-2
Bộ trưởng  Bộ Quốc phòng, Đại tướng  Lê Đức Anh trong chuyến thăm Liên Xô tháng 6-1989. Ảnh: VGP/Chi Phan

Năm 1984, đồng chí Lê Đức Anh được phong hàm Đại tướng, giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ 1987 – 1991 ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Năm 1992, ông được bầu vào chức Chủ tịch nước.

Thậm chí sau khi nghỉ hưu vào năm 2001, vị Đại tướng này vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Ông vẫn đưa ra những ý kiến đóng góp cho Đảng, Nhà nước, đặc biệt là trong các chính sách đối ngoại. Chính Đại tướng Lê Đức Anh là người đề ra đường lối đối ngoại “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ”.

dai-tuong-le-duc-anh-3
Đồng chí Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9 thăm động viên các chiến sĩ của Tiểu đoàn tăng - thiết giáp, Quân khu 9 tháng 5.1976. Ảnh tư liệu

Với đồng nghiệp, cấp dưới, Đại tướng Lê Đức Anh ghi dấu ấn khi là một người đức độ, nhân hậu, luôn lắng nghe mọi người. Đặc biệt, ông là người theo nguyên tắc: “Quân pháp bất vị thân”, không bao giờ có tư tưởng lấy cương vị của mình ra để lo cho con cháu, người thân trong gia đình.

Đại tướng Lê Đức Anh tên thật là Lê Văn Giác, bí danh là Nguyễn Phú Hòa, Sáu Nam. Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở Truồi, làng Bàn Môn, Lộc An, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Ông được cho ăn học từ nhỏ, còn có thời gian cho ra học tiểu học ở thành Vinh, Nghệ An.

dai-tuong-le-duc-anh-4
Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh tại Bộ Tư lệnh miền - khu căn cứ Tà Thiết, năm 1966. Ảnh tư liệu

Ngày bé, ông bị đậu mùa rồi hỏng mắt trái, chân yếu, phải tập luyện 1 năm mới đi học lại được. Ngày con trai trở lại trường, cha mẹ Lê Văn Giác đã đổi tên cho cậu là Lê Đức Anh theo lời khuyên của thầy, mục đích để con trai được ngồi bàn đầu tiên, nhìn cho rõ vì mắt kém.

Năm 18 tuổi, đồng chí Lê Đức Anh chính thức tham gia hoạt động cách mạng chống Pháp và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Liên tiếp sau đó là những đóng góp lớn, nhỏ khác cho Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp giành và giữ độc lập.

dai-tuong-le-duc-anh-5
Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh (người đang giơ tay chỉ) và Phó Chính ủy miền Lê Văn Tưởng (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh miền tại căn cứ Tà Thiết, năm 1971. Ảnh tư liệu

Có một câu chuyện đặc biệt do chính Đại tá Khuất Biên Hòa, người từng có thời gian làm trợ lý giúp việc thân cận cho Đại tướng Lê Đức Anh tiết lộ. Gia đình Đại tướng có 13 người con nhưng lần lượt mất mà chỉ còn lại 2 người con trai (ông Lê Hữu Độ và Đại tướng Lê Đức Anh) cùng 2 người con gái (bà Lê Thị Thể và bà Lê Thị Xoan).

Khi Đại tướng Lê Đức Anh đang là Chủ tịch nước, con trai đầu của ông Độ tốt nghiệp đại học và lập gia đình ở Hà Nội. Ông Độ vui mừng ra Thủ đô nhờ cậu em trai: “Thằng Phú nhà tôi đã tốt nghiệp có bằng kỹ sư rồi. Gia đình nó ở Gia Lâm. Chú lo giúp cho cháu có một vị trí ở gần đây để nó tiện đi về chăm sóc vợ con”.

Nghe xong, Đại tướng Lê Đức Anh đáp lại: “Em chúc mừng anh chị. Chúc mừng cháu. Anh cứ bảo cháu rèn luyện, phấn đấu tốt đi, khắc sẽ có cơ quan đoàn thể người ta rước”.

dai-tuong-le-duc-anh-6
Trung tướng Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9 (ngồi ghế ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng và một số đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ quân đội lần thứ 2 tại Hà Nội, năm 1976. Ảnh tư liệu

Sau câu trả lời đó của Đại tướng, ông Độ bỏ về Huế và giận em trai suốt 4 năm trời. Phải đến khi bà Xoan (em gái út trong nhà) biết chuyện, đi “giảng hòa” mới được. Bà Xoan nói với ông Độ: “Anh Độ ơi, anh không hiểu tính anh Anh rồi. Đến con ruột của mình, anh Anh cũng không lấy cương vị của mình để lo lót thì anh bảo làm sao anh ấy lo cho thằng Phú nhà anh được. Tính của anh như vậy, anh ấy không bao giờ thu vén bất cứ một cái gì về quyền lợi vật chất, quyền lợi chính trị cho kể cả anh ấy, cả con cái. Thôi đừng giận nhau nữa, bây giờ già rồi, thương nhau đi”.

dai-tuong-le-duc-anh-7
Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Quốc phòng kiểm tra tình hình bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1987. Ảnh tư liệu

dai-tuong-le-duc-anh-8
Chủ tịch nước Lê Đức Anh lên buồng lái máy bay chiến đấu Su-27 trong chuyến thăm Trung đoàn Không quân 937, Quân chủng Không quân Việt Nam, ngày 1/5/1996. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)

Bản thân bà Xoan, dù cả hai vợ chồng đều là lão thành cách mạng, huân chương đầy ngực, anh trai làm đến chức Chủ tịch nước nhưng vẫn chọn sống trong một căn hộ chỉ rộng 24m2 ở Trường Trung cấp Y tế.

Sau này Đại tá Khuất Biên Hòa biết việc này liền điện cho lãnh đạo tỉnh ở Huế thông báo sự việc. Họ đã cấp cho vợ chồng bà Xoan một mảnh đất theo tiêu chuẩn. Bà Xoan vừa mừng vừa lo, chỉ sợ anh trai biết chuyện sẽ la rầy.

"O Xoan dặn tôi đừng nói với cụ. Biết cụ quá liêm khiết nên o sợ cụ mắng", ông Hoà kể lại.

Đến khi con trai có tiền xây nhà, bà Xoan khi đó mới dám ra Hà Nội gặp anh trai và “thú nhận” đầu đuôi sự việc.

Theo Tuyên giáo, TTXVN, Dân Trí