Đại tá tình báo từng là bí mật quân sự của Việt Nam: Hy sinh vẫn không lộ thân phận, tên được đặt cho nhiều con đường
Trong lịch sử tình báo của Việt Nam, vị đại tá này là hiện tượng có một không hai. Ông ẩn mình trong vỏ bọc một sĩ quan cấp cao của Quân lực địch nhưng không lộ danh tính. Thậm chí đến khi hy sinh nhà tình báo này vẫn không hề bị phát hiện.
Ở bất cứ thời kỳ nào, lực lượng tình báo luôn được đánh giá có vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến cục diện. Trong lịch sử tình báo của Việt Nam, có một nhà tình báo xuất sắc, được mệnh danh là hiện tượng có một không hai. Ông hoàn thành nhiệm vụ hoàn hảo đến mức địch cũng không thể phát hiện ra. Người được nhắc đến ở đây chính là Đại tá Phạm Ngọc Thảo.
Đại tá Phạm Ngọc Thảo (1922 – 1965), nổi tiếng với cái tên Albert Thảo. Ông là cán bộ tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam, ẩn mình trong vỏ bọc là một sĩ quan cấp cao của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Thời bấy giờ, ông Thảo còn là nhân vật có tiếng nói, ảnh hưởng lớn trong chính quyền Sài Gòn.
Cuộc đời, sự nghiệp của Đại tá Phạm Ngọc Thảo được đưa vào tiểu thuyết “Giữa biển giáo rừng gươm” và xuất hiện trên màn ảnh qua bộ phim “Ván bài lật ngửa”, vai Nguyễn Thành Luân. Cho đến mãi về sau, ông vẫn luôn được xem như là một người hùng, huyền thoại xuất sắc nhất lịch sử tình báo Việt Nam.
Đồng chí Phạm Ngọc Thảo sinh ra ở Long Xuyên. Ông tham gia cách mạng năm 1945 và 1 năm sau nhập ngũ. Ông từng là thành viên chủ chốt của 2 cuộc đảo chính tại Việt Nam Cộng hòa những năm 1964 – 1965. Đặc biệt, nhà tình báo này còn là Đại tá của cả Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Sinh thời, đồng chí Phạm Ngọc Thảo được đích thân Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn chỉ định ở lại miền Nam sau Hiệp định Geneve để thâm nhập vào hàng ngũ cấp cao của địch, phục vụ cho mục tiêu thống nhất đất nước. Ông được phép tùy cơ ứng biến, hoạt động độc lập, không bắt buộc phải báo cáo với cấp trên đường đi nước bước của mình.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng chia sẻ về Đại tá Phạm Ngọc Thảo như sau: “Anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta”.
Phạm Ngọc Thảo (thứ 2 từ trái sang). Ảnh tư liệu
Thời gian làm việc trong chế độ ngụy, Phạm Ngọc Thảo lần lượt là: Năm 1956, được phong Đại úy, Tỉnh trưởng Bảo an Vĩnh Long. Năm 1957, được đề bạt Thiếu tá, thuộc Sở Nghiên cứu chính trị-xã hội của Phủ Tổng thống (cơ quan mật vụ của ngụy do Trần Kim Tuyến phụ trách). Năm 1958, được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre).
Cuối năm 1961, do bị nghi ngờ là nội tuyến của Việt Cộng, nên địch điều đồng chí đi học nước ngoài, đến giữa năm 1962 về đảm nhiệm chức Tham vụ chuyên môn Phủ Tổng thống.
Dù không ít lần phải đối diện với nguy hiểm, đồng chí Phạm Ngọc Thảo vẫn giữ vững quan điểm, kỷ luật. Ông là nhà tình báo mưu trí, sáng tạo, luôn nắm thế chủ động dù nằm trong lòng địch. Ngay cả điệp viên đình đám lịch sử Việt Nam – Phạm Xuân Ẩn cũng phải nhận xét về ông Phạm Ngọc Thảo rằng: “Nhiệm vụ được giao cho Phạm Ngọc Thảo khác với nhiệm vụ của tôi. Ông ấy có nhiệm vụ làm mất ổn định của chế độ Diệm và vạch âm mưu đảo chính, còn tôi là một nhà tình báo chiến lược. Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều” (trích trong cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” do nhà sử học người Mỹ Larry Berman dẫn lời).
Năm 1965, đồng chí Phạm Ngọc Thảo bị địch bắt và tra tấn dã man. Nhưng ý chí sắt đá của ông đã khiến địch phải sững sờ. Không còn cách nào khác, chúng đành phải trừ khử ông. Nhà tình báo này hy sinh vào ngày 17/7/1965. Khi đó ông chỉ mới 43 tuổi.
Nhưng mãi đến năm 1995, thân phận thật của Đại tá Phạm Ngọc Thảo mới được công bố khi ông được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nguyên nhân là để giữ an toàn cho gia đình của ông đang sống tại Hoa Kỳ. Sau khi mất, ông Thảo được truy phong quân hàm Đại tá, liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và truy tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Không chỉ giấu kín thân phận đến khi qua đời, hững chi tiết về cuộc đời hoạt động tình báo của Phạm Ngọc Thảo đến nay vẫn không được công bố nhiều. Báo chí quốc tế vẫn xem ông là một hiện tượng bí ẩn, bí mật quân sự chưa thể giải mã. Các chuyên gia quốc tế gọi Phạm Ngọc Thảo là “Điệp viên có một không hai”. Có lẽ hiếm trường hợp nào lại hoạt động độc lập, không chịu chỉ đạo chiến lược của Trung ương, cũng không có đồng đội hỗ trợ như ông.
Hiện nay, tên của đồng chí Phạm Ngọc Thảo được đặt cho nhiều con đường ở Quận 8, Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh), Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre), TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang).