Khám phá mới

Tiết lộ cảng quân sự của Việt Nam từng là “đệ nhất quân cảng” thế giới, nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng

Ở Việt Nam có một cảng quân sự từng được ví như “đồn phòng vệ của Thái Bình Dương”. Không chỉ vậy, nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng cho cảnh sắc tuyệt đẹp.

Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, có một quân cảng luôn giữ vai trò quan trọng bậc nhất. Đó chính là vịnh Cam Ranh. Nơi đây hội tụ đủ những ưu thế mang tầm chiến lược về địa lý, hàng hải cũng như vị thế quan trọng trong lịch sử.

cam-ranh-1
Năm 1965, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho phép Mỹ sử dụng Cam Ranh (Khánh Hòa) làm căn cứ quân sự.  Ảnh: Peter A. Bird.

Vịnh Cam Ranh nằm ở tọa độ 11 độ kinh Đông, 12,10 độ vĩ Bắc, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nó có vị trí địa lý – chính trị chiến lược quan trọng trên các tuyến hàng hải quốc tế Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải, Yokohama. Vịnh Cam Ranh được hình thành từ 2 nhánh núi bao bọc, có chiều rộng trung bình 8 – 10 km, chiều dài ăn sâu vào đất liền từ 12 – 13 km, độ sâu từ 18 – 32 m, cách đường hàng hải quốc tế khoảng 1 giờ đi tàu.

Xung quanh bán đảo Cam Ranh là rất nhiều đảo to, nhỏ, biến nơi đây thành một cảng nước sâu tránh gió tuyệt vời. Ngoài ra, cạnh lối ra vào nhỏ hẹp của Cam Ranh còn có các dãy núi cao khoảng 400m vây quanh. Cũng vì thế mà gió bão không thể tấn công. Địa thế cao mang lại lợi thế cho Cam Ranh có thể khống chế khu vực xung quanh một cách dễ dàng.

cam-ranh-3
Nơi đây có nhiều kho nhiên liệu, kho đạn, xưởng đại tu xe tăng, hệ thống radar hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc qua Thái Lan, Philippines bằng cáp ngầm xuyên biển. Ảnh: Don Griffin

Thời chiến, quân cảng Cam Ranh là pháo đài vững chãi, khó công, dễ thủ. Cửa vào Cam Ranh nhỏ nhưng tổng diện tích mặt nước vẫn lên đến 98 km2, nước sâu phổ biến trong khoảng 16 – 25 m, nơi sâu nhất có thể lên đến 32 m, cho phép khoảng 40 tàu chiến cỡ lớn cùng neo đậu, kể cả tàu sân bay.

cam-ranh-4
Cam Ranh  còn có kho chứa máy bay trong lòng núi, đường băng dài để phục vụ máy bay quân sự cỡ lớn như máy bay ném bom chiến lược B-52. Có những lúc, tần suất hạ cánh và cất cánh ở sân bay Cam Ranh được xếp vào hàng cao nhất thế giới. Ảnh: Dunlin.

Đặc biệt, nếu tên lửa phòng không được bố trí tại vịnh Cam Ranh và những điểm cao xung quanh thì toàn bộ eo biển Singapore, eo biển Malacca đều nằm trong tầm khống chế hỏa lực của những tên lửa đó. Không chỉ vậy, nơi đây còn có thể triển hệ thống giám sát điện tử để kiểm soát toàn bộ khu vực Bắc Ấn Độ Dương, vịnh Persia, biển Đông.

cam-ranh-6
Một góc doanh trại quân đội ở quân cảng Cam Ranh năm 1969. Ảnh tư liệu

Hàng trăm năm qua, vịnh Cam Ranh luôn nằm trong tầm ngắm của hải quân các cường quốc. Họ xem nơi đây là trung tâm dịch vụ hậu cần quan trọng. Lý do bởi nơi đây có lợi thế về mặt tự nhiên, cực thuận lợi cho quốc phòng, quân sự, lại kề cận tuyến vận tải biển quốc tế trọng yếu.

cam-ranh-7
Đại bản doanh của lính Mỹ tại căn cứ quân sự này. Ảnh tư liệu

Trước đây, phương Tây từng đánh giá Cam Ranh là “pháo đài tự nhiên lý tưởng”, “đồn phòng vệ của Thái Bình Dương”. Tạp chí Hải quân Mỹ "Proceedings" số tháng 10/1991 có viết: "Đối với hải quân Mỹ, Nga hay Trung Quốc, ai làm chủ được Cam Ranh, sẽ làm chủ được "trò chơi mèo vờn chuột" ở vùng biển Đông Nam Á và biển Đông".

cam-ranh-8
Chuyến
tàu chở lính của Sư đoàn Không vận 101 tới Cam Ranh. Ảnh: Bettmann

Bằng chứng cho việc Cam Ranh vô cùng quan trọng trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng là vào năm 1905, Nga hoàng, Pháp, Nhật Bản đã đua nhau chiếm đóng nơi này. Thời chiến tranh Việt Nam, Mỹ thậm chí còn bỏ ra hơn 300 triệu USD để mở rộng Cam Ranh. Từ năm 1979, vịnh Cam Ranh trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài. Từ năm 2002, Cam Ranh trở về với vai trò là một cảng trung chuyển hàng hóa cho nước ta.

cam-ranh-9
Theo một số tài liệu, mỗi tháng trung bình có khoảng 40 chuyến tàu cập cảng Cam Ranh. Căn cứ này tiêu thụ mỗi tháng hơn 3 triệu lít xăng dầu, gần 30.000 lít sữa, 26.000 kW điện... Ảnh tư liệu

Vịnh Cam Ranh trước kia là căn cứ hậu cần, tên gọi đầy đủ là Điểm cung cấp vật liệu – kỹ thuật số 922 (PMTO) của Hạm đội Thái Bình Dương. Nhưng vào năm 2001, Chính phủ hai nước Việt Nam và Liên Bang Nga đã thống nhất chấm dứt sớm thỏa thuận ký vào năm 1979 trước 2 năm.

Kể từ đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố: “Quan điểm của Việt Nam về việc sử dụng cảng Cam Ranh trong tương lai là sẽ không hợp tác với bất cứ nước nào để sử dụng Cam Ranh vào mục đích quân sự. Việt Nam sẽ khai thác có hiệu quả nhất những tiềm năng và lợi thế của Cam Ranh phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

cam-ranh-5
Máy bay cường kích hạng nặng Lockheed AC-130A ở Cam Ranh tháng 3/1969. Ảnh tư liệu

Tuyên bố xây dựng một trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật ở Cam Ranh có ý nghĩa lớn với quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội, du lịch của Cam Ranh nói riêng, Việt Nam nói chung, đồng thời thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Quyết định này thể hiện quan điểm độc lập tự chủ, tính nhất quán của Việt Nam về tương lai của cảng Cam Ranh, về đường lối đối ngoại Quốc phòng của Việt Nam phù hợp với quan điểm “ba không” trong quốc phòng, đáng chú ý là không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Đây cũng là biểu hiện sinh động của đường lối phát triển kinh tế gắn với quốc phòng – an ninh của Đảng ta.

cam-ranh-2
Trong khoảng 8 năm đóng quân ở đây, Mỹ đã chi hàng trăm triệu USD để xây dựng Cam Ranh thành căn cứ quân sự và hậu cần "bất khả xâm phạm" cho lực lượng Hải - Lục - Không quân. Căn cứ này cũng chính là bàn đạp để Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam. Ảnh: Jeri Sisco

Trong những năm qua, cảng Cam Ranh vẫn luôn được nâng cấp về cơ sở vật chất. Càng ngày Cam Ranh càng nhộn nhịp, phát triển, cho thấy rõ sự đúng đắn trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước với kế hoạch đưa nơi đây thành điểm sáng về kinh tế và quân sự Việt Nam.

Theo CAND