Vị Trung tá cắm cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài Huế trước mặt vua Bảo Đại: Là cậu ấm nhà quan, lính Pháp nghe tên sợ mất mật
Vị Trung tá có xuất thân con nhà quan, chỉ huy trăm trận trăm thắng, là một huyền thoại khiến lính Pháp sợ hãi mỗi khi nghe tên.
Trung tá Đặng Văn Việt (1920 - 2021) nguyên là trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174 - một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời chiến, ông chỉ huy Trung đoàn 174 giành được nhiều chiến tích trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, từng là cái tên khiến lính Pháp nghe đến là sợ mất mật, đặt cho biệt danh là "Hùm xám đường 4".
Ông Việt xuất thân là cậu ấm nhà quan: Ông nội là cụ Đặng Văn Thụy (1858 - 1936), từng đậu Đình nguyên Hoàng Giáp khoa thi Hội năm Giáp Thìn - Thành Thái thứ 16 năm 1904, giữ chức Tế tửu trường Quốc Tử Giám. Cha là ông Đặng Văn Hướng (1887 - 1954), từng giữ chức Thị lang Bộ Công, Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tuần vũ Hà Tĩnh, Tổng đốc Nghệ An thuộc Chính phủ Trần Trọng Kim. Sau năm 1945, ông Hướng làm Quốc vụ khanh đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh trong Chính phủ Hồ Chí Minh.
Bản thân ông Việt từ sớm đã vô cùng nhiệt huyết với các phong trào yêu nước, từng tham gia tích cực phong trào Hướng đạo sinh do huynh trưởng Hoàng Đạo Thúy sáng lập. Sau khi đỗ Tú tài, ông học trường Y khoa Đông Dương ở Hà Nội nhưng đến năm thứ 3 phải bỏ dở vì Nhật đảo chính Pháp, trường phải tạm đóng cửa. Trước sự bùng phát của nạn đói do gạo thóc từ trong Nam bị cấm chở ra Bắc, nhóm Hướng đạo sinh Trường Y của Đặng Văn Việt đã tham gia công tác phát chẩn, chôn cất người chết đói.
Thời đó, Trường Thanh niên tiền tuyến (TNTT) khai mạc 1/7/1945 tại Huế nhằm đào tạo các sĩ quan Việt Nam tương lai đã thu hút chàng thanh niên đầy nhiệt huyết Đặng Văn Việt. Sau khi gia nhập, tổ của ông được đồng chí Trần Hữu Dực (sau này là Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ) nhắm đến, giao cho nhiệm vụ cắm cờ đỏ sao vàng của Việt Minh trên kỳ đài thành Huế.
Sáng 20/8/1945, sau khi gặp và nhận lệnh bí mật từ cán bộ Trần Hữu Dực, Đặng Văn Việt cuộn tròn lá cờ cho vào bao tải buộc đằng sau xe, được 2 đồng chí Lâm kèn (sau là Thiếu tướng) và Cao Pha (sau là Cục trưởng Cục 2 Bộ Quốc phòng) hộ tống phía sau. Kỳ đài Huế cách Ngọ Môn chỉ tầm 300 mét, luôn có 12 lính trang bị súng mousqueton, đại đội lính khố vàng gồm 120 tay súng canh gác. Ngoài ra còn có cả 10 khẩu pháo đùng và 9 khẩu thần công 200 ly bảo vệ cung vua ngay cạnh.
Đặng Văn Việt và Cao Pha trong trang phục chỉnh tề của Trường TNTT, chân đi giày da, đầu đội mũ ca lô sừng bò, bên hông giắt súng lục tiến về phía thầy đội chỉ huy, dõng dạc nói: "Theo lệnh của Ủy ban kháng chiến Trung Bộ, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ cách mạng lên thay cờ quẻ ly. Các anh phải giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ!". Viên đội bị choáng ngợp trước sự quả cảm của hai thanh niên yêu nước, nhanh chóng chấp hành. Thế là lá cờ đỏ sao vàng rộng hơn 100 mét vuông đã phấp phới bay trên kỳ đài Huế trong sáng ngày 21/8/1945, đánh dấu việc Mặt trận Việt Minh lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại Huế.
Mãi sau này, ông Đặng Văn Việt mới được kể lại rằng trong thời khắc ngọn cờ quẻ ly bị hạ xuống và thay thế bằng cờ đỏ sao vàng của dân tộc Việt Nam, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương cũng trực tiếp chứng kiến vì đang đứng trên vọng lâu Đại nội. Có 120 lính chĩa súng về phía Đặng Văn Việt và người đội trưởng đội bảo vệ khi đó đã xin phép vua Bảo Đại cho nổ súng. Ngài quay sang hỏi Nam Phương Hoàng hậu và được bà đáp rằng: "Ngài rành sử chắc biết Vua Louis 16 và Marie Antoinette chỉ vì cho phép lính bắn vào người của cách mạng năm 1789 mà sau đó cả hai đã bị chém đầu!". Câu nói của vợ khiến vua sợ hãi, nhanh chóng ngăn cản viên đội trưởng: "Chớ chớ! Không được bắn. Các ngươi mà bóp cò thì Trẫm chết trước đó!".
Sau nhiệm vụ suôn sẻ đó, Đặng Văn Việt xung vào Vệ quốc đoàn rồi mau chóng trưởng thành. Ông đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong quân đội ta như chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 9 ở chiến trường Tây Nghệ Tĩnh và Nam Lào; Tham mưu trưởng Mặt trận đường số 7, giảng viên Trường sĩ quan Lục quân ;...
Ngày 19/12/1953, Luật Cải cách Ruộng đất được thông qua. Cha ông vì từng làm quan lớn nhà Nguyễn nên bị đội giảm tô đấu tố là thành phần phong kiến áp bức. Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Việt với nhà báo Pháp Dominique de Miscault ngày 5/3/2009 thì Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đã truyền lệnh cho địa phương không được đấu tố cụ nhưng không kịp. Bản thân ông Việt cũng phải rời khỏi chức vụ Trung đoàn trưởng, được điều sang Trung Quốc làm công tác Trưởng phòng Huấn luyện của Trường Lục quân Việt Nam. Khi về nước ông tiếp tục đảm nhiệm vai trò Trưởng phòng Huấn luyện ở Trường Lục quân và được phong quân hàm trung tá vào năm 1958. Ông xuất ngũ năm 1960 và được điều sang làm Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, kế đó là Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản cho đến khi nghỉ hưu.
Dù chịu bao nỗi oan khiên nhưng đối với các đồng đội, các bạn chiến đấu của Trung tá Đặng Văn Việt thì ông chính là “vị tướng không sao”, là người anh hùng của nhân dân. Khoảng thời gian trước khi qua đời, những vị tướng từng sát cánh bên ông đã đến thăm, cúi người bày tỏ sự kính trọng và gọi ông là huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam.