Vị Giáo sư 'huyền thoại' được đích thân Bác Hồ đưa về nước và đặt tên, con toàn Đại tá, Giám đốc
Người Giáo sư được Bác Hồ vô cùng ưu ái và trọng dụng, trở thành vị tướng bác học huyền thoại vang danh sử Việt.
Ông Trần Đại Nghĩa (1913 - 1997) tên thật là Phạm Quang Lễ, là Giáo sư, Viện sĩ, kỹ sư quân sự, nhà bác học, Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Anh hùng Lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ông chính là người đã đặt nền móng xây dựng ngành khoa học kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Dù xuất thân trong một gia đình nhà giáo nghèo, 6 tuổi mồ côi cha nhưng ông Nghĩa lại cực kì thông minh, chăm chỉ, thi đỗ đầu hai bằng tú tài: Tú tài Việt và Tú tài Tây vào năm 1933. Không có tiền đi học nên ông đành phải ở đi làm ở Đại sứ quán Mỹ, 2 năm sau thì gặp được nhà báo Dương Quang Ngưu và được ông Ngưu giúp xin học bổng Chasseloup-Laubat du học tại Paris, Pháp vào năm 1935. Ông tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường: Bách khoa Paris, Đại học Mỏ Paris, Đại học Điện Paris, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris, từng làm cho Trường Quốc gia Hàng không và Vũ trụ của Pháp và xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí ở Đức.
Được gặp gỡ, nói chuyện với Bác Hồ tại Pháp năm 1946, người thanh niên Phạm Quang Lễ đã nghe theo tiếng gọi của Bác, cùng Người về nước, tham gia tổ chức, chế tạo vũ khí cho quân đội tại núi Việt Bắc. Cũng trong tháng 12 năm đó, Bác Hồ đã đặt cho anh Lễ cái tên Trần Đại Nghĩa để giữ bí mật cho bản thân và gia đình, bà con anh trong Nam. "Một là họ Trần, là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nuớc. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo", Bác giải thích ý nghĩa cái tên.
Với sự tin tưởng và ưu ái từ Bác, Giáo sư Trần Đại Nghĩa đã lao động hăng say không biết mệt mỏi, bất kể là ngày hay đêm. Trong cương vị một lãnh đạo, một nhà khoa học, ông đã cùng với các đồng chí của mình đã chế tạo thành công nhiều loại vũ khí như Bazooka, súng không giật (SKZ), đạn bay... Nhờ vậy mà hỏa lực của quân ta được tăng cường, làm nên nhiều chiến công vẻ vang cho dân tộc.
Mải mê vì sự nghiệp Cách mạng nên Giáo sư Trần Đại Nghĩa mãi chưa lấy vợ. Có một câu chuyện thú vị được truyền lại thế hệ sau về mối duyên của ông và người vợ là y tá tên Nguyễn Thị Khánh. Cả hai được mai mối cho nhau nhưng trong lần đầu gặp gỡ, ông Nghĩa đem sách vở đến chỗ cô Khánh làm việc 2 hôm mà chẳng dám nói gì. Bà Khánh cuối cùng không chịu được đành chủ động hỏi trước, thế là cả hai mới bắt đầu tìm hiểu nhau. Bà Khánh cũng chính là người băng bó cho ông Nghĩa khi bị thương, tình cảm đôi bên dần bồi đắp và có cái kết đẹp là đám cưới giản dị ngay tại Cục Quân giới (Bắc Kạn) vào tháng 9/1947.
Bà Khánh sinh cho ông Nghĩa 4 người con trai là Trần Dũng Trí, Trần Dũng Trình, Trần Dũng Trọng, Trần Dũng Triệu. Cả 4 người đều vô cùng giỏi giang và có nhiều cống hiến cho đất nước. Người con cả Trần Dũng Trí là Đại tá trong quân đội; Người con thứ 2 là ông Trần Dũng Trình là nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Con trai thứ 3 Trần Dũng Trọng - Một doanh nhân thành đạt; Con trai út Trần Dũng Triệu là nguyên cán bộ Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng.