Gia đình nữ Tiến sĩ từng làm Bác Hồ rơi nước mắt: Anh em toàn GS, TS, bố 3 lần được bầu làm Tổng Bí thư
Những thành viên trong gia đình nữ Tiến sĩ này đều là các nhà trí thức lớn, đặc biệt là bố của bà - nhà lãnh đạo kiệt xuất từng 3 lần đứng trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Bà Đặng Việt Nga sinh năm 1940, là tiến sĩ chuyên ngành kiến trúc từng tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Matxcơva. Bà có xuất thân vô cùng đặc biệt khi là con gái duy nhất của cố Tổng Bí thư Trường Chinh và người vợ Nguyễn Thị Minh.
Nhắc đến Tổng Bí thư Trường Chinh, người Việt Nam nào cũng vô cùng tôn kính và biết ơn. Đồng chí là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên tuổi gắn liền với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong suốt thế kỷ XX. Đặc biệt, đồng chí từng 3 lần giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng: Lần đầu tiên là vào tháng 11/1940, đồng chí được phân công giữ Quyền Tổng bí thư của Đảng, thay Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt ngày 17/1 cùng năm; Lần thứ hai là vào tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí được bầu làm Tổng bí thư của Đảng Lao động Việt Nam; Lần thứ ba là vào ngày 14/7/1986, BCHTƯ Đảng đã nhất trí bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng bí thư của Đảng, thay cho Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời vào hôm 10/7 trước đó.
Bên cạnh cố Tổng Bí thư Trường Chinh là người vợ luôn đồng cam cộng khổ, là hậu phương vững chắc cho chồng. Bà Nguyễn Thị Minh là con gái một gia đình có gia thế, giàu có trong vùng, kết hôn với ông Trường Chinh vì đính ước của 2 gia đình hai bên. Dù vậy, đối với bà, cuộc hôn nhân với người chồng duy nhất là mối lương duyên được xếp đặt từ kiếp trước, khiến bà hạnh phúc và mãn nguyện. Trong khi chồng hoạt động Cách mạng, bà Minh một mình nuôi dạy các con chu toàn. Nhờ công nuôi dưỡng của bà Minh mà 4 người con ai lớn lên cũng thành tài và phụng sự cho đất nước: Con trai cả Đặng Xuân Kỳ (1931 – 2010) là Giáo sư Triết học, ủy viên BCH TƯ khoá VI và VII, từng giữ các chức vụ Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ; Con thứ hai là bà Đặng Việt Nga, Tiến sĩ – Kiến trúc sư; Con thứ ba là ông Đặng Việt Bích, PGS, TS và con thứ tư là Đặng Việt Bắc, sinh năm 1950, từng học về nguyên tử ở Liên Xô nhưng sau đó được bố gọi về nước làm lính.
Tiến sĩ Đặng Việt Nga luôn tự hào về gia đình mình. Bà cũng thường nhắc đến vinh dự khi là người hiếm hoi khi còn trẻ được gần gũi với Bác Hồ. Có một kỉ niệm bà Nga còn nhớ mãi, đó là vào năm 1947, khi 7 tuổi, bà được cùng cha ăn cơm tại cơ quan. Ông Trường Chinh khi đó đã nhắc con gái hát tặng Bác một bài. Nhớ đến bài hát "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng" mà các chú trong cơ quan đã hướng dẫn, Việt Nga hát vô cùng to và dõng dạc. Sau đó, cô bé 7 tuổi vô cùng kinh ngạc khi thấy Bác lấy khăn chấm nước mắt. Bác bảo: "Bác ăn ớt cay nên chảy nước mắt, cháu à…". Đến khi về nhà, bà mới được bố cho hay: "Con hát hay, Bác xúc động, Bác khóc!".
Từ những lần được gặp Bác, Đặng Việt Nga như có thêm động lực cố gắng học tập thật giỏi, lao động thật tốt để xứng đáng những gì mà Bác luôn gửi gắm vào thế hệ trẻ. Cùng với những kỉ niệm sâu sắc về khoảng thời gian khó khăn trên chiến khu Việt Bắc, bà càng thấu hiểu sự hy sinh mất mát của bao thế hệ cha anh và Chủ tịch Hồ Chí Minh nên càng nỗ lực hơn nữa. Bà cả một đời tâm huyết với nghề kiến trúc, từng công tác ở cả Nga và Việt Nam, giữ đến chức Giám đốc Viện Thiết kế của Bộ Xây Dựng nước ta. Giữa năm 1983, bà chuyển công tác vào Đà Lạt - Lâm Đồng cho đến nay.