Đời sống

Vị Đại tá duy nhất chào điều lệnh quân đội bằng tay trái, tên được đặt cho đường phố khi còn sống

Vị Đại tá duy nhất chào điều lệnh quân đội bằng tay trái, tên được đặt cho đường phố khi còn sống

Vị đại tá huyền thoại của QĐND Việt Nam là trường hợp duy nhất được đặt tên đường khi còn sống.

Trong Quân đội Nhân dân Việt Nam có hai người được chào điều lệnh bằng tay trái. Người đầu tiên là Thiếu tướng Nguyễn Thái Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân và người thứ hai là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu. Có thể nói Đại tá La Văn Cầu chính là vị Đại tá duy nhất được chào điều lệnh theo cách đặc biệt như vậy. 

Đại tá, Anh hùng LLVTND La Văn Cầu thời trẻ (Ảnh tư liệu) 

Nguyên nhân là vì trong trận đánh đồn Đông Khê thuộc Chiến dịch biên giới Thu - Đông (16 - 18/9/1950), cánh tay phải của ông đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Theo lời kể của chính Đại tá La Văn Cầu thì vào khoảng 10 giờ đêm ngày 17/9/1950, ông được Đại đội trưởng giao nhiệm vụ ôm bộc phá đánh vào lô cốt của địch tại cứ điểm Đông Khê để mở đường cho đồng đội tiến lên. Trong quá trình tiến lên, ông đã trúng 2 viên đạn vào má phải và tay phải nên ngất lịm đi. Đến khi tỉnh dậy thì tay phải đã không còn cảm giác nhưng ông không thể bỏ dở nhiệm vụ được giao. 

Đại tá, Anh hùng LLVTND La Văn Cầu khi về già - Nguồn ảnh: Dân Trí 

"Cánh tay phải bị thương cứ lủng lẳng, vướng vào cột dây thép khiến tôi đau hơn cả lúc trúng đạn. Tôi nghĩ đằng nào cũng bị thương rồi, nhiệm vụ còn dang dở, thà chặt luôn tay cho đỡ vướng. Nghĩ là làm, tôi nhờ Tiểu đội trưởng Nông Văn Thêu giúp mình chặt cánh tay bị thương rồi tiếp tục dùng tay trái ôm bộc phá áp sát lô cốt địch, giật liền cả hai nụ xòe và chạy về phía sau. Sau tiếng nổ lớn, tôi lại ngất đi. Trong lúc ấy, các đồng đội đã thay tôi tiếp tục ôm bộc phá lao lên diệt các lô cốt khác của địch...", Đại tá La Văn Cầu không giấu nổi sự xúc động khi nhớ lại trận đánh đáng nhớ nhất đời mình. 

Dù phải tháo khớp tay đến vai, không tránh khỏi những lúc cảm thấy hoang mang nhưng người chiến sĩ trẻ La Văn Cầu khi đó đã quyết tâm thích nghi với hoàn cảnh mới. Ông mất 3 tháng để luyện tập cho tay trái hoạt động như tay phải, kể cả việc khó như bắn súng cũng không ngăn được ông. Ông tâm niệm: "Chừng nào trái tim còn đập, tôi vẫn còn muốn được cống hiến, cống hiến thay cả phần đồng đội để xứng đáng với sự hy sinh của họ. Đây là điều tôi luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời". 

Anh hùng La Văn Cầu tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất, năm 1952

Sau khi bị thương, Đại tá vẫn tiếp tục ở lại trong quân đội làm công tác tuyên huấn, chuyên trách công tác thanh niên. Ông luôn cố gắng làm thật tốt mọi việc dù nhỏ nhất để khỏa lấp nỗi tiếc nuối khi không thể tham gia nhiều trận đánh hơn vì bị thương. Với những hi sinh, đóng góp to lớn của mình, năm 1952, chiến sĩ trẻ La Văn Cầu là 1 trong 7 chiến sĩ đầu tiên được phong danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân" tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất và có vinh dự được gặp, ăn cơm cùng Bác Hồ.

Sau này, Đại tá La Văn Cầu công tác ở Phòng Tổ chức quân khu I, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam… cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 8/1996. Đại tá năm nay đã bước sang tuổi 93 nhưng vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông sẽ mãi là huyền thoại của QĐND Việt Nam, tấm gương sáng ngời về tinh thần hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc.