Đời sống

Vị Giáo sư, bác sĩ được đích thân Bác Hồ đưa về nước: Từng tham gia Thế chiến II, là huyền thoại ngành Y đất Việt

Sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vật chất và tương lai hứa hẹn bên đất Pháp để trở về nước theo tiếng gọi của Bác Hồ, vị Giáo sư, Bác sĩ đáng kính này đã trở thành một huyền thoại của ngành Y nước ta.

Trần Hữu Tước (13/10/1913 - 23/10/1983) là Giáo sư, bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng, một nhà khoa học lớn của Việt Nam. Xuất thân một gia đình trung lưu ở làng Bạch Mai, xã Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội), ông với sự thông minh, chăm chỉ đã thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Paris. Năm 1937, ông lấy bằng Tiến sĩ y khoa tại Đại học Paris và trở thành trợ lý cho Giáo sư Jacques Marie Lemée - chuyên gia tai mũi họng cực kì nổi tiếng ở Pháp. 

Chân dung Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước

Tháng 9/1939, Thế chiến thứ II bùng nổ, ông Tước đã gia nhập quân đội Pháp với vai trò bác sĩ quân đội. Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, ông vui sướng khi nghe tin Cách mạng Tháng Tám thành công, Việt Nam giành được độc lập. Người bác sĩ tài năng đó có thể có cuộc sống vật chất đủ đầy và tương lai hứa hẹn bên đất Pháp nhưng ông lại khao khát được phụng sự cho Tổ quốc. Chính vì niềm thôi thúc đó, năm 1946, nghe theo tiếng gọi của Bác Hồ, Giáo sư Trần Hữu Tước đã cùng Người và Giáo sư Trần Đại Nghĩa, kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân lên tàu trở về nước, trở thành thành viên của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bác sĩ Trần Hữu Tước đảm nhiệm vai trò cứu thương cho Trung đoàn Thủ đô suốt 60 ngày đêm chiến đấu trong nội thành Hà Nội. Trong khi rút khỏi Hà Nội để đến vùng kháng chiến vào tháng 2/1947, ông mang theo 30kg dụng cụ chuyên khoa, di chuyển đến rất nhiều vùng để làm công tác tuyên truyền, chữa bệnh. Vì chưa quen với khí hậu và cường độ làm việc lớn nên ông đã đổ bệnh vào cuối năm 1948. Bác Hồ nghe tin đã yêu cầu ông nghỉ làm để dưỡng bệnh nhưng bác sĩ Tước khi đó đã kiên quyết từ chối đến vùng tạm chiếm với nhiều ưu đãi mà muốn ở lại giúp đỡ quân đội và nhân dân. Đến năm 1951, ông được đi chữa bệnh tại Trung Quốc.

Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước tại chiến khu Việt Bắc (1/1954). Ảnh: Tư liệu gia đình

Có một kỉ niệm mà ông Tước không bao giờ quên chính là khoảnh khắc Bác phi ngựa đến tiễn. Xót người bác sĩ vì tận tụy với công việc mà gầy gò, ốm yếu, Bác lấy hai chiếc gối cỏ để chèn cho khỏi xóc khi đi đường trường, lấy mũ vàng của Bác chụp lên đầu đề phòng bị va vào khung sắt của mui xe. Lời dặn dò và cái vẫy tay của Bác khiến ai trong hoàn cảnh đó đều cảm thấy ấm lòng. Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, Giáo sư Trần Hữu Tước đã góp phần vào thắng lợi của dân tộc, trở thành tấm gương sáng về y đức và sự thủy chung, son sắt với Đảng và Bác Hồ. 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Giáo sư Trần Hữu Tước. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước đã đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trọng như Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (1956-1969), Chủ nhiệm Bộ môn Tai mũi họng Trường Đại học Y khoa Hà Nội (1955-1983), Chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam (1961-1983), Viện trưởng đầu tiên của Viện Tai mũi họng Trung ương (từ 1969), Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1960), đại biểu Quốc hội (khóa II, III, IV), Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Với những công lao to lớn với đất nước, Giáo sư được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 1966, Huân chương Độc lập hạng Nhất vào năm 1983, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kĩ thuật đợt I  năm 1996,... và dùng tên ông đặt cho một đường phố thuộc phường Nam Đồng, quận Đống Đa.