Đời sống

Gia đình nữ Bộ trưởng vang danh sử Việt: Là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh, thấm nhuần truyền thống yêu nước

Gia đình nữ Bộ trưởng vang danh sử Việt: Là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh, thấm nhuần truyền thống yêu nước

Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, nhà nữ ngoại giao này đã mang trong mình tình yêu và sự tự tôn dân tộc to lớn từ khi còn nhỏ và sau này biến nó trở thành sức mạnh áp chế kẻ thù trên bàn đàm phán, tạo ra 'kỳ tích ngoại giao' của Việt Nam. 

Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình (sinh ngày 26/5/1927) hay còn được gọi là Madame Bình đã trở thành một huyền thoại với "kỳ tích ngoại giao" vô cùng ấn tượng. Bà là một trong những nhân vật chủ chốt đặt bút ký vào Hiệp định Paris 1973 - hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Paris ngày 27/1/1973. 

Chân dung bà Bình khi trẻ và lúc về già

Trong suốt gần 5 năm diễn ra cuộc đàm phán ở Hội nghị Paris (từ 1968 - 1973), bà Nguyễn Thị Bình - khi đó là nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam) - khiến nhân dân Việt Nam và thế giới vô cùng ngưỡng mộ vì sự thông minh và bản lĩnh của mình. Giữa những nhà ngoại giao lão làng của thế giới, bà Bình vô cùng sang trọng, điềm tĩnh, khéo léo, vừa bảo vệ quyền lợi, tự tôn dân tộc, lại tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. 

nguyenthibinh5
Cụ Phan Châu Trinh -  hình bìa cuốn Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử, của Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, Anh Minh xuất bản, Huế, 1959

Một trong những yếu tố tạo nên một Madame Bình vang danh sử Việt chính là gia đình có truyền thống yêu nước sâu sắc. Được biết, bà là cháu cụ Phan Châu Trinh - người phát động phong trào Duy Tân. Phan Châu Trinh là người thấy rõ nhất những nhược điểm của con người và xã hội Việt Nam lúc bấy giờ nên chủ trương nâng cao dân trí, học tập tư tưởng tiến bộ của Phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu,... Tuy nhiên sau này, phong trào này đã bị Pháp đàn áp.

Thấm nhuần truyền thống yêu nước của gia đình, bà Nguyễn Thị Bình đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giành lại độc lập dân tộc và phát triển đất nước thời bình. Bà từng được bầu làm Phó chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và giữ chức vụ này xuyên suốt 10 năm (1992-2002). Với những cống hiến to lớn đó, Madame Bình được trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng 1, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng 1, Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều danh hiệu, huy hiệu cao quý khác.