Đời sống

Vị Đại tá 13 tuổi đi tu, quyết 'cởi áo cà sa khoác chiến bào' bảo vệ Tổ quốc, là huyền thoại của Phật giáo Việt Nam

Vị Đại tá 13 tuổi đi tu, quyết 'cởi áo cà sa khoác chiến bào' bảo vệ Tổ quốc, là huyền thoại của Phật giáo Việt Nam

Câu chuyện 'cởi áo cà sa khoác chiến bào' của người Đại tá Đinh Thế Hinh và các tăng ni chùa Cổ Lễ đã trở thành huyền thoại đầy hào hùng của Phật giáo Việt Nam.

Đại tá Đinh Thế Hinh (1927 - 2019) là nguyên chính uỷ trung đoàn 542 của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trước khi bước chân vào quân ngũ, ông từng là đại đức Thích Pháp Lữ, tu tại chùa Cổ Lễ ở Nam Định. Cuối năm 1946, giặc Pháp tràn vào miền Bắc với tham vọng tái chiếm Việt Nam. Trong buổi chiều mùa đông năm đó, được sự ủng hộ của hòa thượng trụ trì chùa Cổ Lễ Thích Thế Long, đại đức Thích Pháp Lữ cùng 27 tăng ni khác trong chùa đã quyết định tạm rời cửa thiền ra chiến trường dẹp giặc.

Chùa Cổ Lễ ngày nay

Đúng 8 giờ 30 phút sáng 27/2/1947, buổi lễ "Cởi áo cà sa khoác chiến bào" đã diễn ra dưới sự chứng kiến của đông đảo người dân. Bài phát nguyện vang lên đầy hào hùng: 

"Cởi áo cà sa, khoác chiến bào,

Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao.

Ra đi quyết rửa thù, cứu nước,

Vì nghĩa quên thân, hiến máu đào". 

Đại tá Đinh Thế Hinh 

Sau khi 27 tăng ni toạ thiền, đồng thanh tụng hết bài kinh Bát Nhã và 4 câu nguyện của Chư Phật, Bồ Tát thì các nhà sư nam giới đứng lên cùng cởi áo cà sa, đưa cho Hoà thượng Thích Thế Long đặt trước bàn thờ Phật. Sau tiếng hô "Đội mũ!", các tăng ni đội mũ có gắn sao vàng lên đầu, nhận súng và chính thức trở thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Sau này khi hồi tưởng về khoảnh khắc thiêng liêng đó, Đại tá Đinh Thế Hinh kể: "Tôi còn nhớ rõ mồn một những lời của Hòa thượng trụ trì Thế Long: 'Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le ngay cửa Phật, Phật Pháp bất ly thế gian. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các Phật tử cũng tham gia đánh giặc cứu nước...'. Trong tôi lúc đó vừa thấy hồi hộp, vừa thấy bừng bừng khí thế. Hòa thượng dứt lời trong tiếng hô vang dậy. 27 nhà sư trở thành 27 chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Buổi lễ ngày hôm đó đã biến thành cuộc tuần hành, tỏa về các làng quê trong khí thế cứu nước hào hùng". 

Đại tá Đinh Thế Hinh 

Ban đầu, ông Hinh cùng "Trung đội Phật tử" được các đơn vị bộ đội tiếp nhận huấn luyện và giao nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ thành Nam Định, chùa Non Nước. Năm 1950, ông được phía trên cử đi học ở Trường Sỹ quan lục quân Quân khu 3 rồi trở thành chính trị viên tiểu đoàn 328 về giải phóng Hải Phòng vào năm 1954. Trong giai đoạn 1954 - 1969, Đại tá Đinh Thế Hinh tham gia chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bảo vệ Hà Nội. Sau đó, ông Nam tiến, giữ chức Chính uỷ Binh trạm 41 đường Trường Sơn, địa bàn A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Đến năm 1979, ông tham gia chiến dịch biên giới rồi sang Campuchia, làm cố vấn cho Ban chỉ huy tiểu đoàn bảo vệ Bộ Tư lệnh 479.

Ông Hinh nghỉ hưu vào năm 1989 với quân hàm đại tá. Một lòng với Phật giáo, ông đã sử dụng bút danh Nguyên Hồng để viết báo, cộng tác với tạp chí Nghiên cứu phật học, sau đó cùng một người bạn viết lên cuốn sách "Chùa Cổ Lễ - văn hoá cách mạng". Đại tá Đinh Thế Hinh qua đời vào ngày 29/8/2019, hưởng thọ 93 tuổi