Danh tính nữ tướng của Việt Nam từ chối làm Vương phi, sau khi mất được dân tôn làm Thành hoàng
Sau khi bà mất đi đã được vua Lý Nhân Tông sắc phong là 'công chúa ni cô', dân tôn làm Thành hoàng.
Trong lịch sử Việt Nam có vô số nữ tướng tài giỏi ghi danh muôn đời, một trong số đó là bà Phạm Thị Toàn, quê ở trang Vân Lộng, xứ Đông (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Mẹ mất sớm, bà Toàn được cha là ông Phạm Lương một tay nuôi lớn. Ảnh hưởng từ người cha có chí lớn, luôn lo nghĩ cho dân nên bà toàn từ nhỏ đã tinh thông võ thuật, hiểu biết sâu rộng về cách bày binh bố trận.
Sau khi Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa, cha bà Phạm Thị Toàn đã bán sạch tài sản, kéo con gái cùng mình tham gia vào nghĩa quân. Với tài năng và sự rèn luyện từ nhỏ, bà nhanh chóng trở thành một nữ tướng kiệt xuất dưới trướng Lý Bí. Khi Lý Bí lên ngôi năm 544, lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, ông đã quyết định đón bà Toàn vào cung làm vương phi.
Thế nhưng, trước tấm thịnh tình của Hoàng đế, bà lại từ chối với lý do là muốn về quê chăm sóc mộ phần cha mẹ, vui thú ruộng vườn và nghe câu kinh tiếng kệ. Thấy được sự kiên quyết của bà, vua không gặng ép mà vui vẻ chấp thuận.
Từ đó về sau, bà Phạm Thị Toàn sống cuộc đời lặng lẽ tại quê nhà. Vào năm Quý Mùi (1103) niên hiệu Long Phù thứ 3 đời vua Lý Nhân Tông, danh tướng Phạm Thị Toàn được ban sắc phong là “công chúa ni cô”. Khi bà mất, người dân quanh đó đã lập đền thờ tôn bà làm Thành Hoàng. Đến tận bây giờ hậu thế vẫn truyền tai nhau điển tích bà Phạm Thị Toàn hiển linh giúp cho quân tướng nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông.