Nhà bác học Việt Nam trở thành người nước ngoài đầu tiên và trẻ nhất đạt học vị tối cao của Nhật Bản
Giáo sư Lương Định Của (16/8/1920 – 28/12/1975), ông sinh ra tại làng Đại Ngãi, Kế Sách (nay là thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú), Sóc Trăng. Ông là 1 nhà nông học, nhà tạo giống cây trồng, người có đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam. Ông được mệnh danh là “Nhà bác học của đồng ruộng”.
Giáo sư Lương Định Của được mệnh danh "Nhà bác học của đồng ruộng".
Lúc nhỏ, Lương Định Của học ở Trường Tiểu học Lasan Taberd ở tỉnh lỵ Sóc Trăng, rồi chuyển lên Sài Gòn học bậc trung học. Sau đó ông đi du học Hương Cảng học ngành y học, tiếp đó là Thượng Hải học ngành kinh tế trước khi nhận được học bổng của chính phủ Nhật Bản. Ông sang Nhật năm 1942, được nhập ngang vào học năm thứ ba tại Trung tâm Nghiên cứu Nông học Nhiệt đới thuộc Trường Đại học Quốc gia Kyushu.
Năm 1945 ông cưới vợ là bà Nobuko Nakamura người Nhật. Năm 1946, ông chuyển sang Trường Đại học Quốc gia Kyoto và được cấp bằng tiến sĩ nông học, ông cũng là vị tiến sĩ thứ 96 của nước này.
Năm 1951, Lương Định Của bảo vệ xuất sắc luận án di truyền học được hội đồng khoa học Trường Đại học Đại học Tổng hợp Kyoto nhận xét có cống hiến lớn cho ngành nông học trong việc cải thiện giống lúa và nhất trí cấp học vị Bác sĩ nông học – học vị cao nhất Nhật Bản lúc bấy giờ. Thời điểm ấy, ông là người trẻ nhất và cũng là người nước ngoài duy nhất được cấp học vị này tại Nhật Bản.
Năm 1952, nghe theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo tiếng gọi của quê hương, Lương Định Của cùng vợ và con rời bỏ vinh hoa phú quý trở về Việt Nam với mong muốn phấn đấu hết khả năng của mình để đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cuối 1954, ông cùng gia đình tập kết ra Bắc. Từ năm 1956 đến năm 1960, ông làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Từ 1963 đến năm 1967, ông là Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp. Từ năm 1968 đến ngày 28-12-1975, ông là Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục các khóa: II, III, IV và V kéo dài trong 15 năm (từ năm 1960 đến năm 1975).
Nhà bác học Lương Định Của cùng bà con nông dân.
Là một nhà bác học, nhưng Lương Định Của vẫn làm việc trong một căn phòng rất đơn sơ. Ngoài giờ lên lớp, ông thường xắn quần lội trên những cánh đồng thí nghiệm. Trong suốt cuộc đời mình, giáo sư Lương Định Của đã dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển giống cây trồng, trong đó có nhiều giống lúa đạt năng suất cao, chất lượng tốt như giống Nông nghiệp 1 được lai tạo từ giống Ba Thắc của Nam bộ với Bunko (Nhật Bản), giống lúa mùa muộn Saisubao, giống lúa Chiêm 314, giống NN75-1, dòng NN8-388 (chọn giống từ IR8)… Các giống lúa này đã góp phần nâng cao năng suất lúa của Việt Nam, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Ngoài ra, giáo sư Lương Định Của còn nghiên cứu, phát triển các kĩ thuật canh tác tiên tiến giúp tăng năng suất và chất lượng cây trồng như kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, kỹ thuật bón phân hợp lý, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại,...
Tượng đài giáo sư Lương Định Của tại Sóc Trăng.
Với các đóng góp lớn lao trong sự nghiệp của mình, năm 1967, ông được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động và truy tặng giải thường Hồ Chí Minh năm 1996. Năm 2006, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lập một giải thưởng mang tên Lương Định Của. Tên của ông hiện được đặt cho một tuyến đường ở Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, một tuyến phố ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Nhà bác học duy nhất Việt Nam thông thạo 26 thứ tiếng ở tuổi 25: Được đặt tên cho đường, trường học
Ông được tôn vinh như 1 nhà bác học về ngôn ngữ bậc nhất thời nay, nhiều người phải kinh ngạc khi ông thông thạo 26 thứ tiếng cùng lúc ở tuổi 25.