Cập nhật thông tin ‘thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử Hàn Quốc’: Vẫn chưa thể dập lửa, số người chết đã tăng
Hàn Quốc đang đối mặt với thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử. Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 26 người đã thiệt mạng.
Cháy rừng ở Hàn Quốc đã bùng phát dữ dội và lan gấp đôi diện tích chỉ trong một ngày. Ít nhất 26 người đã thiệt mạng, trong khi nhiều ngôi chùa cổ kính bị thiêu rụi. Giới chức nước này gọi đây là thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử.


Hơn 33.000 ha rừng đã bị thiêu rụi hoặc vẫn đang rực lửa trong đám cháy lớn nhất khởi phát từ Uiseong, miền trung Hàn Quốc. Đây là vụ cháy rừng đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử nước này, phá vỡ kỷ lục 24.000 ha từng bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn tháng 3/2000.
“Chúng ta đang đối mặt với tình trạng nghiêm trọng trên toàn quốc do tốc độ lan rộng chưa từng có của cháy rừng, gây ra nhiều thương vong”, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo phát biểu trong một cuộc họp khẩn.

Quân đội đã cung cấp nhiên liệu hàng không để duy trì hoạt động của các trực thăng chữa cháy, vốn đang nỗ lực dập lửa tại các khu vực miền núi ở phía đông nam, nơi cháy rừng đã kéo dài gần 1 tuần.
Theo Bộ An toàn Hàn Quốc, hơn 120 trực thăng đã được triển khai tại 3 khu vực để khống chế hỏa hoạn. Hàn Quốc chủ yếu dựa vào trực thăng để chữa cháy rừng do địa hình đồi núi phức tạp.
Những đám cháy bùng phát từ Uiseong đang lan nhanh về phía đông, tiến sát bờ biển dưới tác động của gió mạnh và điều kiện khô hạn.

Cơ quan khí tượng dự báo sẽ có mưa tại một số khu vực phía tây nam, nhưng lượng mưa không vượt quá 5 mm ở hầu hết các khu vực bị ảnh hưởng.
“Lượng mưa quá ít, khó có thể giúp ích đáng kể trong việc dập tắt đám cháy”, Bộ trưởng Cục Lâm nghiệp Hàn Quốc Lim Sang-seop nhận định.
Các chuyên gia cho biết vụ cháy tại Uiseong có quy mô và tốc độ lan rộng đặc biệt bất thường, đồng thời cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ khiến cháy rừng ngày càng phổ biến và nguy hiểm hơn trên toàn cầu.
Nhiệt độ tăng cao do tác động của biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tình trạng khô hạn theo mùa, biến các vùng đất khô cằn thành "nguồn nhiên liệu nguy hiểm cho hỏa hoạn", theo báo cáo của Climate Central, tổ chức độc lập gồm các nhà khoa học và nhà nghiên cứu khí hậu.
Theo Reuters