Sau thời gian ‘làm mưa làm gió’, sàn thương mại điện tử Temu gặp ‘kiếp nạn’ đầu tiên
Một cuộc điều tra đã được mở ra đối với nền tảng thương mại điện tử Temu.
Một trong những sàn thương mại điện tử được quan tâm nhất trong thời gian gần đây chính là Temu. Trước khi Temu đổ bộ vào Việt Nam, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam là cuộc đua "đốt tiền" của 5 sàn thương mại điện tử lớn là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop.
Tuy nhiên, Temu vừa qua cũng vướng hàng loạt những ý kiến trái chiều từ người dùng. Nhiều chuyên gia trong ngành thương mại điện tử đánh giá việc sử dụng nền tảng này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng. Bên cạnh vấn đề dữ liệu cá nhân, chất lượng sản phẩm bán trên Temu cũng là một rủi ro đối với người dùng khi mua hàng. Theo Bloomberg, Ủy ban châu Âu (EC) chuẩn bị mở cuộc điều tra đối với nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Temu của Trung Quốc về việc ngăn chặn các sản phẩm bất hợp pháp.
Trước đó, Ủy ban Châu Âu yêu cầu sàn TMĐT thuộc sở hữu của PDD Holdings, phải cung cấp thông tin trước ngày 21/10 về việc Temu có vi phạm các quy tắc nhằm ngăn chặn các sản phẩm bất hợp pháp hay không. Căn cứ vào kết quả xem xét hồ sơ, Ủy ban sẽ "xác định các bước tiếp theo".
Trong những ngày vừa qua, nền tảng TMĐT Temu thâm nhập thị trường Việt Nam bằng phiên bản tiếng Việt với nhiều mặt hàng đều được giảm giá từ 70-90%. Việc Temu chưa đăng ký cấp phép, bán giá siêu rẻ theo kiểu phá giá... khiến các cơ quan chức năng và người tiêu dùng lo ngại về chất lượng sản phẩm cũng như đầu ra cho sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước.
Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings. Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.
Tuy chỉ mới có mặt trên thị trường khoảng 2 năm nhưng Temu được đánh giá là đối thủ đáng gờm của các sàn thương mại điện tử lớn trên thị trường hiện nay. Vào năm 2022, tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Temu chỉ 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023, theo ECDB.