Nhịp sống số

Lừa đảo hoành hành ở Úc, người dân rơi bẫy dù chiêu quen thuộc

Lừa đảo hoành hành ở Úc, người dân rơi bẫy dù chiêu quen thuộc

Người dân Úc đã bị thiệt hại 43,4 triệu USD do mắc bẫy bẫy deepfake người nổi tiếng.

Từ tháng 1 đến tháng 8/2024, người dân Australia đã báo cáo thiệt hại 43,4 triệu USD từ các vụ lừa đảo trên mạng xã hội cho Scamwatch – website của Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Úc, với gần 30 triệu USD liên quan đến gian lận đầu tư.

Trong tuần qua, Trung tâm phòng chống lừa đảo quốc gia của Úc tiếp tục nhận được hàng trăm báo cáo về việc người dân trở thành mục tiêu lừa đảo khi nhận được thư điện tử yêu cầu trả tiền chuộc bằng tiền điện tử nếu không muốn các hình ảnh trích xuất từ camera của gia đình và nhà bạn bè bị phát tán lên mạng.

Lừa đảo đang là một vấn nạn tại Úc

Trong bối cảnh này, chính quyền Úc đang tìm cách để bảo vệ người dân trong đó có việc yêu cầu các ngân hàng, các công ty dịch vụ bổ sung thêm nhiều biện pháp để bảo vệ thông tin của khách hàng và tránh để khách hàng của mình trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.

Từ tháng 5/2024, các vụ lừa đảo bằng cách gửi email đang gia tăng tại Úc. Theo bà Kathy Sundstrom, Giám đốc Cơ quan dịch vụ hỗ trợ bảo vệ an ninh mạng và nhận dạng quốc gia, nếu từ tháng 1 đến tháng 4/2024, trung bình trong 1 tháng, cơ quan này nhận được trung bình 50 báo cáo về các vụ lừa đảo bằng thư điện tử thì từ tháng 5/2024 trở lại đây, số báo cáo trung bình mà cơ quan này nhận được mỗi tháng là 200. 

Gần 50% nạn nhân của các vụ việc này có độ tuổi từ 18 đến 34. Mặc dù cách thức của các vụ việc không hoàn toàn giống nhau song đối tượng lừa đảo thường kèm theo tên, mật khẩu, địa chỉ, ngày sinh, số điện thoại….để dọa mọi người về việc đã đột nhập được vào hệ thống và đánh cắp được các thông tin cá nhân.

Các đối tượng lừa đảo đã gửi nhiều tin nhắn cho người dân Úc để đề nghị họ trả tiền chuộc

Cho đến lúc này chưa có bằng chứng về việc camera của các gia đình bị tấn công và Trung tâm phòng chống lừa đảo quốc gia Úc cho rằng, các thông tin cá nhân mà đối tượng lừa đảo nêu trong thư điện tử có thể bị rò rỉ trong các cuộc tấn công mạng trước đó.

Trước vấn nạn lừa đảo tại Úc, Meta bắt đầu thử nghiệm sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt với 50.000 người nổi tiếng trên toàn thế giới để phát hiện các quảng cáo giả mạo.

Trung tâm phòng chống lừa đảo quốc gia của Úc đã gửi cảnh báo đến người dân và nhắc nhở người dân nâng cao cảnh giác trước bất kỳ yêu cầu cung cấp thông tin và yêu cầu chuyển tiền. Hiện tại, Trung tâm phòng chống lừa đảo quốc gia Úc đang phối hợp với các đối tác bao gồm cả các nhà lập pháp và cơ quan dịch vụ hỗ trợ bảo vệ an ninh mạng và nhận dạng quốc gia để phá tan âm mưu lừa đảo này cũng như đảm bảo người dân được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ.