Việt Nam đón mưa sao băng lịch sử trong đêm nay: Lưu ý mốc thời gian và địa điểm tránh bỏ lỡ!
Đêm nay rạng sáng ngày mai sẽ có mưa sao băng đổ bộ trên bầu trời Việt Nam, dưới đây là mốc thời gian và địa điểm thích hợp để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn học này.
Theo thông tin từ hội Thiên văn học Việt Nam, đêm nay 21/4 rạng sáng ngày mai 22/4 sẽ diễn ra một trong những trận mưa sao băng lâu đời nhất được ghi nhận trong lịch sử có tên gọi là Lyrid. Đối với hiện tượng thiên văn học này, Việt Nam hoàn toàn có thể quan sát rõ.

Vào thời điểm cực đỉnh diễn ra mưa sao băng Lyrid, có thể thấy 15–20 sao băng mỗi giờ với vận tốc 49 km/giây trong điều kiện trời quang đãng và ít ánh đèn thành phố. Đối với điều kiện tại Việt Nam, những nơi lý tưởng để quan sát mưa sao băng là vùng nông thôn, vùng núi, bãi biển, nơi có tầm nhìn thoáng đãng và không bị ô nhiễm ánh sáng. Thời gian lý tưởng để quan sát là từ nửa đêm đến rạng sáng, đặc biệt là sau 2h sáng ngày 22/4.
Các nhà thiên văn học cho biết thêm, 2025 là năm tốt để quan sát mưa sao băng Lyrids. Đỉnh điểm là vào ngày 22.4, khi ánh trăng không gây nhiều trở ngại. Năm nay, mặt trăng sẽ ở pha lưỡi liềm, chỉ được chiếu sáng 36% và sẽ không mọc cho đến khoảng 3 giờ 30 sáng theo giờ địa phương.

Ngoài ra, để chụp đươc những bức ảnh đẹp ghi lại khoảnh khắc lịch sử này, máy ảnh thủ công có thể chụp phơi sáng trong khoảng 20 đến 30 giây, sử dụng số f thấp và ISO từ 800 đến 3200. (ISO 1600 là điểm khởi đầu tốt). Sau đó, thiết lập để chụp các bức ảnh này một cách độc lập.
Theo tìm hiểu, Lyrids là một trong những trận mưa sao băng lâu đời nhất từng được loài người quan sát. Bởi nó xuất hiện trong các văn bản cổ của Trung Quốc từ cách đây khoảng 2.500 đến 2.700 năm. Mưa sao băng được phát hiện trong lần cuối cùng đến hệ mặt trời vào năm 1861. Theo NASA, Lyrids được tạo ra bởi các mảnh vụn còn sót lại trong hệ mặt trời bên trong do sao chổi Thatcher (C/1861 G1) để lại. Sao chổi Thatcher quay quanh mặt trời sau mỗi 422 năm Trái đất, với lần ghé thăm tiếp theo dự kiến vào năm 2283.