Vụ sập cầu Phong Châu: Xác định cơ quan phân định trách nhiệm và giám định nguyên nhân
Cơ quan cức năng đang đẩy nhanh quá trình giám định nguyên nhân sự cố gây ra vụ sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) và làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Bộ Xây dựng vừa ban hành Công văn số 5273/BXD-GĐ gửi tỉnh Phú Thọ nhằm nhanh chóng giải quyết sự cố sập cầu Phong Châu nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông khiến 8 người mất tích.
Cụ thể, UBND tỉnh Phú Thọ (hoặc Bộ Giao thông vận tải, khi được Thủ tướng Chính phủ giao) là cơ quan có thẩm quyển chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Trong quá trình tổ chức giám định, hiện trường sự cố cần được chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi triển khai các công việc tiếp theo.
Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Thọ cần tổ chức giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu theo quy định tại Điều 44, Điều 45 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc tiếp tục bảo vệ hiện trường và các biện pháp đảm bảo an toàn cho đến khi hoàn thành công tác giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành trục vớt, thanh thải lòng sông để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa khi đảm bảo điều kiện cho công tác này; sớm báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất phương án khắc phục để đảm bảo giao thông trên tuyến Quốc lộ 32C.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc tiếp tục thực hiện các nội dung theo Công điện số 01/CĐ-BXD ngày 04/9/2024, Công điện số 02/CĐ-BXD ngày 08/9/2024 của Bộ Xây dựng để đảm bảo an toàn cho người, tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã tìm thấy 2/8 thi thể mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu. Thông tin ban đầu cho biết, 2 nạn nhân được tìm thấy là ông Lương Xuân Thanh (sinh năm 1968) và bà Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1976).
Bên cạnh công tác tìm kiếm nạn nhân, cơ quan chức năng cũng đang chuẩn bị phương án để lắp cầu phao, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Theo đó, việc lắp đặt cầu phao do Lữ đoàn Công binh 249, Lữ đoàn Công binh 543 (Binh chủng Công binh) thực hiện.
Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại dòng chảy sông Hồng vẫn còn rất mạnh, khiến lực lượng triển khai phương tiện, lắp đặt cầu gặp nhiều khó khăn.
Theo VietNamNet, Báo Điện tử Chính phủ. Ảnh Internet, Hà Vy.