Đời sống

5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mùa bão lũ, mách bạn cách phòng tránh

5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mùa bão lũ, mách bạn cách phòng tránh

Có không ít người xem thường bệnh truyền nhiễm xảy ra trong mùa bão lũ, khiến tình trạng bệnh ngày một nặng thêm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Trong và sau mùa mưa lũ sẽ sản sinh rất nhiều vi sinh vật, rác, chất thải trôi theo dòng nước, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Chưa kể, nước lũ dâng cao, người dân phải sống chung cùng với nó trong nhiều ngày khiến nguy cơ mắc bệnh tăng cao hơn so với ngày thường.

Bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải trong mùa bão lũ.

Dưới đây là một số bệnh truyền nhiễm trong mùa bão lũ, bạn cần chủ động nắm bắt để có hướng phòng tránh thích hợp.

Bệnh ngoài da

Bệnh ngoài da là một trong những bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải nhất trong mùa mưa lũ như nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt. Ngoài ra, người dân vùng lũ lụt có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác lây qua da niêm mạc như whitmore, bệnh do xoắn khuẩn leptospira, bệnh do Vibrio vulnificus.

Do trong mùa mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm, tạo điều kiện cho vi sinh vật, vi nấm gây bệnh sinh sôi và triển. Đồng thời, người dân vùng lũ lụt thường phải ngâm mình, chân tay trong nước bẩn lâu nên rất dễ mắc bệnh ngoài da.

Bệnh ngoài da khiến người bệnh khó chịu.

Một trong những cách phòng tránh tốt nhất bạn cần áp dụng là vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn, không mặc quần áo ẩm ướt.

Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa

Do nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước ăn uống, lương thực, thực phẩm bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm, đơn bào) nên mọi người dễ mắc bệnh lây qua đường tiêu hoá. Như tiêu chảy cấp, bệnh tả, bệnh lỵ trực khuẩn, bệnh lỵ amip, bệnh thương hàn, nhiễm khuẩn do E.coli, viêm gan virus A.

Dù ở trong bất kỳ điều kiện nào, mọi người cũng cần phải lựa chọn thực phẩm sạch và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, thực hiện “ăn chín, uống sôi”, không ăn thức ăn cũ, ôi thiu.

Người dân cần chủ động phòng tránh bệnh trong mọi tình huống.

Các bệnh về mắt

Người dân cần chú ý một số bệnh về mắt thường gặp sau lũ là đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ. Một trong những biệt pháp để cải thiện vấn đề này là rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; lọc nước sinh hoạt ăn uống bằng cát sạch hoặc đánh phèn để lắng sau đó khử khuẩn nước bằng Cloramin B theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Đồng thời, tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi tại khu vực mình sinh sống.

Tiếp xúc với nguồn nước bẩn là nguyên nhân gây đau mắt.

Các bệnh do muỗi truyền

Bệnh truyền nhiễm gặp nhiều nhất trong mùa bão, lũ là sốt xuất huyết. Nguyên nhân do môi trường sau lũ lụt là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh sinh sản phát triển; điều kiện ăn ở, ngủ nghỉ, sinh hoạt tạm bợ không bảo đảm.

Bệnh do muỗi truyền rất nguy hiểm.

Do đó, mọi người nên chủ động mắc màn khi ngủ để tránh muỗi đốt, kể cả ban ngày; tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô, hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

Các bệnh đường hô hấp

Các bệnh đường hô hấp hay gặp trong mùa bão, lũ gồm cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp. Nguyên nhân chủ yếu là nhiễm lạnh do phải ngâm mình lâu trong nước, thiếu quần áo, chăn màn, nhà cửa không bảo đảm che chắn kín gió, thậm chí người dân phải di dời đến ở nơi tập trung đông người, không bảo đảm vệ sinh.

Người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất khi phát hiệu dấu hiệu bất thường.

Dù là trong hay sau mùa bão lũ, bạn đều cần phải giữ ấm cơ thể, nhất là người già và trẻ em; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Theo VTC News. Ảnh Internet.