Người dân mắc bệnh truyền nhiễm mùa mưa lũ cần dừng lại hành động sau nếu không muốn ‘tiền mất, tật mang’
Mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi để bệnh truyền nhiễm hình thành và phát triển, nếu điều trị sai cách có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Bệnh truyền nhiễm mùa mưa lũ thường lây qua đường hô hấp như cúm, sởi; lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc nguồn nước bẩn như thương hàn, tả, tiêu chảy, lỵ, tiêu chảy do Rotavirus... Đặc biệt, trong đợt lũ lịch sử diễn ra ở nhiều tỉnh phía Bắc mới đây, số người mắc bệnh truyền nhiễm ngày tăng cao, đe dọa đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, thậm chí cả tính mạng.
Tuy nhiên, khi điều trị bệnh truyền nhiễm mùa bão, lũ người bệnh thường chủ quan, coi thường bệnh tật, không đến cơ sở y tế để khám bệnh hoặc đến khám bệnh muộn khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Thậm chí, nhiều người bệnh bệnh còn tự chẩn đoán bệnh, nhờ tư vấn từ những người không có chuyên ngành và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Đối với một số người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính nếu không được điều trị kịp thời rất nguy hiểm.
Do đó, khi phát hiện dấu hiện bất thường, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Đi cùng với đó, người dân cần có biện pháp dự phòng dịch bệnh trong sau bão, lũ lụt như thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước, lọc nước sinh hoạt ăn uống bằng cát sạch hoặc đánh phèn để lắng sau đó khử khuẩn nước bằng Cloramin B theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Lựa chọn thực phẩm sạch và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, thực hiện "ăn chín, uống sôi", không ăn thức ăn cũ, ôi thiu. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Người dân cần thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế, tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi ở khu vực nơi mình sinh sống.
Hằng ngày, mọi người cần phải rửa chân sạch và lau khô kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn, không mặc quần áo ẩm ướt, hạn chế bơi lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Chú ý giữ ấm cơ thể, nhất là người già và trẻ em, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất.
Ngoài ra, người dân cần chủ động tiêm vaccine trong thời gian sớm nhất để nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng, góp phần ổn định cuộc sống sau mưa lũ.
Theo VTC News, VnExpres.