Việt Nam giành vị trí á quân thế giới về xuất khẩu 1 mặt hàng, sánh ngang cường quốc thế giới
Việt Nam chễm chệ tại vị trí top đầu về xuất khẩu mặt hàng này trên thế giới, chỉ đứng sau duy nhất một nước.
Sở hữu một loại mặt hàng được đánh giá cao và đứng vị trí top đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia trên thế giới như gạo, cà phê, hạt điều, điện thoại, không thể bỏ qua mặt hàng giày dép khi nó giúp Việt Nam thu về hàng tỷ USD mỗi tháng. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép của Việt Nam trong tháng 6 thu về hơn 2 tỷ USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm mặt hàng này đã mang lại hơn 10,7 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các thị trường quốc tế, Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan là những thị trường lớn nhất và có trị giá xuất khẩu cao. Thị trường Mỹ đạt 3,8 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc với hơn 900 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Hà Lan là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 với hơn 782 triệu USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2023.
Giày dép là mặt hàng hàng ngày không thể thiếu của con người, vậy nên không khó hiểu khi mặt hàng này được quan tâm. Các mặt hàng từ Việt Nam được xuất khẩu sang các nước có chất lượng được đảm bảo, tay nghề cao và nhiều mẫu mã đa dạng. Bên cạnh đó giá thành cho nhiều mặt hàng ở mức chấp nhận được và phù hợp với túi tiền của nhiều người.
Hiện tại về xuất khẩu giày dép Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 2 trên thị trường thế giới và chỉ xếp sau Trung Quốc. Lượng giày dép từ Việt Nam chiếm 10% thị trường thế giới và có mặt tại 150 quốc gia khác nhau. Việt Nam còn là nước xuất khẩu giày vải lớn nhất thế giới và vượt xa nhiều tên tuổi sừng sỏ khác trong ngành.
Trong năm 2023, xuất khẩu mặt hàng giày dép mang về hơn 20,2 tỷ USD. Như vậy 26 năm liên tiếp (tính từ năm 1998), giày dép xuất khẩu luôn nằm trong nhóm các mặt hàng tỷ đô và nằm trong nhóm có kim ngạch cao.
Việt Nam hiện có khoảng 1000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng gần 2 triệu nhân công. Khu vực miền Trung Việt Nam và Tây Nam Bộ có nhiều lao động và diện tích đất trống. Đây là cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể phát triển, đẩy mạnh quy mô cũng như quy trình sản xuất của mình.