Danh tính nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng được Bác Hồ nhận xét ‘vẻ vang cho cả dân tộc’
Vị nữ tướng huyền thoại của Việt Nam đã thể hiện khả năng chỉ huy tài tình của những năm 60 trên chiến trường miền Nam.
Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre. Bà là em út của 10 anh em trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước và cách mạng. Năm 16 tuổi, bà cảm thấy rất bất công và tủi nhục khi người dân nô lệ phải chịu đựng nên bà Định quyết định tìm đến những người hoạt động trong tổ chức Đông Dương Đại hội ở quê, xin được tham gia và hoạt động với phong trào.
Ở độ tuổi 18, chị Định được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1938. Kể từ đó trở đi, chị bắt đầu hoạt động tích cực trong phong trào cách mạng ở địa phương.
Cho tới năm 1940, đồng chí Nguyễn Thị Định bị địch bắt, chúng đưa chị đi tù đày ở nhiều nhà lao Nam Bộ. Năm 1944, chị Định ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1945, chị tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở vùng Bến Tre. Tháng 3/1946, chị cùng đoàn cán bộ miền Nam vượt biển ra Bắc để báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ về tình hình ở mặt trận Nam Bộ.
Tháng 10 năm 1946, đoàn cán bộ được giao chuyên chở 12 tấn vũ khí vượt biển về Nam Bộ sau khi nhận được chỉ thị của Trung ương, thuyền cập bến an toàn vào tháng 11/1946 sau bao ngày chống chọi với giông bão và nòng súng của địch, đây cũng chính là kinh nghiệm cho những “đoàn tàu không số” sau này.
Chị Ba Định được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, làm Đoàn trưởng Phụ nữ tỉnh vào năm 1948, một thời gian sau chị được phân công làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.
Nghe tin chị Định có kinh nghiệm trong việc lãnh đạo phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nên sau khi ký Hiệp định Giơnevơ được tổ chức phân công ở lại hoạt động không tập kết ra Bắc, bọn địch nhăm nhe tìm cách bắt chị Định nhưng nhân dân đã đùm bọc và che chở cho chị Định.
Năm 1965, chị giữ chức Phó Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam; tại Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam, chị làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận xét về nữ anh hùng Nguyễn Thị Định: "Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
Năm 1960, theo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, chị Ba Định đã kêu gọi nhân dân đứng lên “đồng khởi”. Ngày 17/11/1960, 3 xã gồm Bình Thủy, Bình Khánh, Phước Hiệp huyện Mỏ Cày giành thắng lợi, mở đầu cho phong trào “đồng khởi” ở Bến Tre và lan tỏa khắp miền Nam.
Bọn địch lúc bấy giờ đưa quân về càn quét dữ dội nhưng chúng phải “trở mình” về “thế giằng co” và kết quả là phải rút quân trước tài lãnh đạo của chị Ba Định kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, một vùng rộng lớn ở tỉnh Bến Tre được giải phóng.
Mặc dù mạnh mẽ và quả cảm trên chiến trường mưa bom, bão đạn nhưng sau mỗi trận chiến sinh hoạt với các đồng chí, anh chị em thì nữ anh hùng Nguyễn Thị Định lại giản dị như người mẹ, người chị của họ. Những người đồng chí gọi chị bằng cái tên thân thiết như “chị Ba”, “cô Ba” nên Quân giải phóng miền Nam Việt Nam mới tôn chị Ba Định là “Chị cả” của mình.
Đồng chí Nguyễn Thị Định được bầu vào BCH TW Đảng, làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sau ngày thống nhất nước nhà. Vào năm 1987, bà là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định là tấm gương tiêu biểu với trái tim nhân hậu cùng khả năng lãnh đạo tài tình, bà có nhiều đóng góp trong trong sự nghiệp đổi mới của đất nước và có công lớn trong việc gây dựng mối quan hệ giữa phụ nữ Việt Nam với phụ nữ và bạn bè quốc tế.
Trước khi mất 2 ngày, bà còn đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, điều này càng chứng tỏ được lòng yêu nước, yêu dân, quyết cống hiến cả cuộc đời dành cho cách mạng của anh hùng Nguyễn Thị Định. Do tuổi cao, sức yếu, lại thêm căn bệnh đau tim nên lúc 22 giờ 50 phút ngày 26 tháng 8 (tức 28/7 âm lịch) năm 1992, bà đã từ trần và yên nghỉ tại Nghĩa trang Thành phố HCM.
Theo Báo Hà Tĩnh. Ảnh minh họa Internet.