Những ai làm thẻ Căn cước mới mà không mất tiền, bạn có thuộc trường hợp dưới đây?
Luật Căn cước có 10 điểm mới, nổi bật là việc bổ sung thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước.
Dự thảo nêu rõ, các trường hợp miễn lệ phí gồm:
- Trẻ em theo quy định tại Luật trẻ em; người cao tuổi theo quy định tại Luật Người cao tuổi; người khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật.
- Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
- Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 Luật Căn cước không phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước.
Theo dự thảo, mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ trực tiếp như sau:
- Công dân cấp đổi từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân sang thẻ căn cước theo quy định dự kiến mức phí là 30.000 đồng/thẻ căn cước;
- Cấp đổi thẻ căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước mức lệ phí là 50.000 đồng/thẻ căn cước;
- Cấp lại thẻ căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước mức lệ phí là 70.000 đồng/thẻ căn cước.
- Đối với trường hợp công dân nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với trường hợp cấp lại thẻ căn cước, mức thu lệ phí bằng 50% mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ trực tiếp.
- Đối với trường hợp nộp đề nghị cấp đổi, cấp lại qua dịch vụ công trực tuyến (đặt lịch hẹn thời gian, địa điểm để thực hiện thủ tục), mức thu lệ phí bằng 80% mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ trực tiếp.
Mức thu lệ phí này áp dụng từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2025.
Từ ngày 1/7, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành. Trong đó, đáng chú ý là việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, cấp chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, giúp cho người dân thuận tiện hơn trong các giao dịch, thủ tục hành chính và không phải mang theo nhiều loại giấy tờ...