Đời sống

Loại cây của Việt Nam được các cường quốc săn đón, đứng thứ nhất Đông Nam Á

Cao su của Việt Nam không chỉ đắt hàng ở thị trường trong nước mà nó còn đắt hàng khi được các cường quốc săn lùng.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong nửa năm 2024 đạt 153.487 tấn với trị giá hơn 246 triệu USD. Con số này tăng mạnh 81,7% về lượng và tăng 83,4% về trị giá so với tháng trước đó. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm nước ta xuất khẩu 726.652 tấn cao su với trị giá hơn 1,1 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng nhưng tăng 5,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Trong các thị trường, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam với 489.370 tấn, trị giá đạt hơn 717 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 8% về trị giá so với năm trước. Đáng chú ý giá xuất khẩu ghi nhận xu hướng tăng với mức tăng 10%, đạt 1.466 USD/tấn.

Xếp sau Trung Quốc là Ấn Độ với 58.152 tấn cao su, kim ngạch đạt hơn 94 triệu USD, tăng mạnh 28% về lượng và tăng 49% về trị giá so với năm trước. Giá bình quân đạt 1.623 USD/tấn, tăng 16% so với nửa đầu năm 2023.

Đứng thứ 3 là thị trường Hàn Quốc với 23.775 tấn cao su, kim ngạch đạt hơn 39 triệu USD, tăng 11% về lượng và tăng 25% về trị giá so với năm trước. Giá xuất khẩu bình quân cũng ghi nhận mức tăng 13% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.668 USD/tấn.

Thị trường cao su ghi nhận sự tăng giá do cả nhu cầu mua và bán, giá cao su Việt Nam trong thị trường nội địa cũng tăng cũng những tháng đầu năm. Theo Tổng cục Thống kê, diện tích cây cao su ở Việt Nam hiện có hơn 938 nghìn ha, với sản lượng thu hoạch mủ cao su của Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn (năm 2021), chiếm 8,7% sản lượng cao su toàn cầu. Năng suất bình quân của cao su Việt Nam đạt 1.682 kg/ha, đứng thứ nhất châu Á.

Việt Nam là nước đứng thứ ba về cung cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 11,7% tổng lượng cao su thế giới, chỉ đứng sau Thái Lan 33,2% và Indonesia 27,2%.