Vị giáo sư là bộ trưởng Bộ y tế đầu tiên của Việt Nam: 2 lần được bổ nhiệm, được Bác Hồ ‘chọn mặt gửi vàng’
Không chỉ là 1 bác sĩ giỏi, từng 2 lần được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ y tế, vị giáo sư này còn là nhà ngoại giao kiệt suất, có những đóng góp quan trọng cho đất nước.
Nhắc đến ngành Y Việt Nam, không thể không nhắc đến Giáo sư, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909 – 1968), một nhà khoa học y khoa lỗi lạc, nhà lãnh đạo tài ba, người thầy thuốc tận tâm, hết lòng vì sự nghiệp cứu người. Ông là bộ trưởng Bộ y tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (9/1945 - 1/1946). Đồng thời, ông phụ trách công tác đối ngoại tham gia đàm phán với đại diện của Chính phủ Pháp. Năm 1958, giáo sư Phạm Ngọc Thạch được bổ nhiệm giữ chức bộ trưởng Bộ y tế lần 2 nhiệm kỳ 14/12/1958 - 7/11/1968.
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Sinh ra ở Quy Nhơn trong 1 gia đình dòng dõi quý tộc Huế, nhưng giáo sư Phạm Ngọc Thạch lại mồ côi mẹ từ nhỏ, được chị gái Phạm Thị Ngọc Diệp nuôi nấng. Ông chứng minh được tài năng của mình khi 19 tuổi thi đỗ Trường Đại học Y Đông Dương (nay là Đại học Y Hà Nội). Hết năm thứ 4, ông sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp bác sĩ Y khoa năm 1934. Khi tốt nghiệp, ông dần thăng tiến làm Giám đốc Bệnh viện Lao vùng núi phía đông nước Pháp. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định trở về Việt Nam dù khi đó đã có bạn gái ở Pháp.
Sau khi trở về nước, giáo sư, tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch đã có những đóng góp to lớn cho ngành y Việt Nam. Ông là 1 trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu và điều trị bệnh lao ở Việt Nam. Ông đã nghiên cứu ra vắc xin BCG chết thay BCG sống đẩy lùi căn bệnh lao, 1 đại dịch nguy hiểm thời bấy giờ. Sự tận tâm với bệnh nhân không phân biệt giàu nghèo khiến ông được mọi người yêu mến gọi là “anh Tư Thạch”, "đốc-tờ bình dân".
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 27/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong điều kiện nước ta thời kỳ đó, khi chính quyền cách mạng còn non trẻ lại phải nhanh chóng hoàn thiện cơ bản bộ máy đối phó với thù trong, giặc ngoài, để đảm đương chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế không thể chỉ đơn thuần là một bác sĩ giỏi chuyên môn mà còn cần phải là một nhà trí thức có uy tín, được nhân dân tin tưởng nghe theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính là người hội tụ đầy đủ những yêu cầu cần thiết đó. Và thực tế đã chứng minh đó là một sự lựa chọn vô cùng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ và giáo sư Phạm Ngọc Thạch trong 1 bức ảnh.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho những công việc về đối ngoại. Ngày 21/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 216, cử Phạm Ngọc Thạch giữ chức Thứ trưởng Phủ Chủ tịch; phái viên Chính phủ đi gặp lãnh đạo Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ để vận động chính quyền các nước này giúp Việt Nam đặt cơ quan đại diện Chính phủ và tổ chức Phòng thông tin. Đây là 1 công việc vô cùng khó, Bác Hồ đã chọn mặt để “gửi vàng” cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, giao cho ông trọng trách to lớn này.
Giáo sư Phạm Ngọc Thạch cùng vợ và 2 con.
Ngày 7/11/1968, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mất tại khu căn cứ kháng chiến ở vùng rừng núi tỉnh Tây Ninh do viêm phúc mạc mật và sốt rét ác tính. Lễ truy điệu sau đó được diễn ra long trọng tại Hà Nội. Tham gia lễ tang của giáo sư Phạm Ngọc Thạch khi đó có sự góp mặt của các lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp...
Với những đóng góp to lớn trong suốt cuộc đời, năm 1958 Đảng và Nhà nước tặng Danh hiệu Anh hùng lao động và Huân chương Lao động hạng nhất cho Ông. Năm 1996, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vì các cống hiến trong lĩnh vực khoa học trong đợt đầu tiên. Tên của ông hiện được đặt cho nhiều con đường, trường học ở Hà Nội và TP.HCM.