Đời sống

Vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận chức dù chưa vào Đảng, là giáo sư duy nhất Việt Nam từng làm bộ trưởng của 2 bộ

Vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhận chức dù chưa vào Đảng, là giáo sư duy nhất Việt Nam từng làm bộ trưởng của 2 bộ

Vị giáo sư này là người duy nhất ở Việt Nam tính đến hiện nay từng đảm nhận vị trí bộ trưởng của 2 bộ. Sinh thời, ông được so sánh với Lê Quý Đôn nhờ kiến thức uyên thâm, mang trí tuệ thiên tài.

Trong số các vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Việt Nam, vị chính khách này là trường hợp hiếm hoi xuất thân từ một nhà khoa học. Dù không đi lên từ quân đội, nhưng những đóng góp to lớn của ông vào xây dựng, phát triển quân đội là điều không thể phủ nhận. Người được nói đến chính là cố giáo sư Tạ Quang Bửu (1910 – 1986).

giao-su-ta-quang-buu-1
Thuở nhỏ, cậu học trò Tạ Quang Bửu nổi tiếng học giỏi ở Tam Kỳ và Quốc học Huế. Ảnh tư liệu

Tạ Quang Bửu sinh ở làng Hoành Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông lớn lên trong một gia đình nhà Nho yêu nước, có cha là cụ cử nhân Nho học Tạ Quang Diễm, mẹ là nữ sĩ Sầm Phố (tên thật Nguyễn Thị Đào). Từ nhỏ, Tạ Quang Bửu đã bộc lộ tư chất thông minh hơn người, từng theo học ở trường Bưởi, đỗ đầu kỳ thi tú tài bản xứ. Sau này ông còn thi cùng học sinh phương Tây, đỗ đầu tú tài Tây ban toán và đỗ hạng ưu tú tài Tây ban triết.

Nhận học bổng sang Pháp du học, ngành được Tạ Quang Bửu lựa chọn là toán học. Với đầu óc nhanh nhạy, ông rất được các giáo sư đầu ngành yêu mến. Trong một kỳ thi lấy chứng chỉ có hơn 100 người dự thi, ông Bửu là một trong 4 người thi đỗ.

Một thời gian sau, chàng trai đến từ Việt Nam còn nhận được học bổng của Đại học Oxford tại nước Anh. Đến năm 1938, Tạ Quang Bửu dự Trại Tráng sĩ của Tổ chức Hướng đạo Thế giới và thi lấy bằng trại trưởng.

giao-su-ta-quang-buu-2
Năm 1934, Tạ Quang Bửu (đứng giữa) về nước, ở Huế và dạy Trường Thiên Hựu. Ông sáng lập nhóm trí thức "sẵn sàng phục vụ nhân dân và đất nước" với tên gọi Trách nhiệm. Ảnh tư liệu

Năm 1934, Tạ Quang Bửu về nước ở tuổi 24, từ chối lời mời ra làm quan mà chọn đi dạy toán, tiếng Anh ở trường tư Providence (Huế). Đến tháng 8/1945, Tạ Quang Bửu cùng luật sư Phan Anh tham gia cách mạng, cống hiến cho dân tộc. Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, ông được Bác Hồ giao giữ chức Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao, là thành viên Hội đồng Kiến thiết Quốc gia.

Gần 1 năm sau, dù chưa kết nạp Đảng, Tạ Quang Bửu đã được giao làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 7/1947, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao.

Chỉ trong 1 năm ngắn ngủi giữ vị trí này, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã có đóng góp lớn vào xây dựng, phát triển quân đội cho đất nước. Ông chính là người biên soạn cuốn “Bắn máy bay bằng súng trường tập trung”, giúp các lực lượng vũ trang non trẻ của ta có thêm kỹ năng chiến đấu, khiến Pháp phải e ngại trên vùng trời Việt Nam.

giao-su-ta-quang-buu-8
Ít ai biết GS Tạ Quang Bửu còn là Chủ tịch Hội Điền kinh Việt Nam. Ảnh tư liệu

Tạ Quang Bửu được đánh giá là tấm gương của việc học toàn diện. Ông xuất sắc ở nhiều lĩnh vực: toán, lí, hoá, sinh, triết học,... đặc biệt là ngoại ngữ. Vị giáo sư này sử dụng thành thạo tiếng Anh, Pháp, Đức, Ba Lan; có thể đọc hiểu tiếng Nga, Trung, Hy Lạp cổ và La-tinh. Chỉ tự học tiếng Nga trong ba tháng mà ông đã có thể dịch trôi chảy các tài liệu quân sự tiếng Nga. Ông giúp Bác Hồ soạn thảo những bức công hàm bằng tiếng Anh, nhiều lần cùng Bác tiếp các chính khách nước ngoài. Tạ Quang Bửu được nhận xét là nói tiếng Anh “hoàn hảo đến mức người Anh phải kinh ngạc”. Ngoài ra, ông còn có hiểu biết sâu rộng về âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc, thể thao,... Ông luôn tranh thủ thời gian tự học, để thoả mãn niềm đam mê của mình. Nhiều người coi ông là “Lê Quý Đôn thời nay”.

giao-su-ta-quang-buu-6
GS Tạ Quang Bửu (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp từ năm 1965-1976. Ảnh tư liệu

Sau Chiến thắng Việt Bắc năm 1947, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã đề nghị Bác Hồ giao lại chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và xin trở về với chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, ông còn đảm nhận vị trí Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương mãi đến khi Hà Nội giải phóng vào tháng 10/1954.

Trong năm 1954, Thứ trưởng Tạ Quang Bửu đã cùng Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Genève về Việt Nam. Ông chính là người đại diện cho Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam ký Hiệp định Genève về Việt Nam.

giao-su-ta-quang-buu-10
GS Tạ Quang Bửu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Đến khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, giáo sư Tạ Quang Bửu chuyển sang công tác trong lĩnh vực khoa học. Ông được giao làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp từ năm 1965 – năm 1976. Đặc biệt, chính vị giáo sư đáng kính này đã góp công xây dựng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngôi trường đại học đào tạo kỹ thuật đầu tiên của đất nước. Tạ Quang Bửu chính là Giám đốc đầu tiên của ngôi trường này.

giao-su-ta-quang-buu-9
Vừa làm quản lý, GS Tạ Quang Bửu vẫn say sưa nghiên cứu và giảng dạy. Ảnh tư liệu

Với những cống hiến to lớn của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương hạng Nhất như Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất…