Vị Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên được phong hàm đại tướng, 17 tuổi vào Đảng, giúp TP.HCM hồi sinh
Nhà lãnh đạo này được người dân yêu mến gọi với biệt danh thân thuộc: Anh Năm Xuân, chú Năm Xuân. Khi ông được phong hàm đại tướng, đồng bào còn ưu ái gọi ông là “vị tướng con dân”.
Trong ngành Công an, nhắc đến bí danh Năm Xuân, không một cán bộ chiến sĩ nào không biết. Vị cố bộ trưởng này được mọi người yêu mến, kính trọng không chỉ bởi nhân cách sáng ngời mà còn vì tầm nhìn xa, những đóng góp lớn trong thời gian còn công tác. Người đó chính là Đại tướng Mai Chí Thọ.
Đại tướng Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống (1922 – 2007), quê ở xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Trong kháng chiến, ông được biết đến nhiều hơn với bí danh Năm Xuân, Tám Cao, Mai Chí Thọ.
Xuất thân trong một gia đình yêu nước, ngay từ bé đồng chí Mai Chí Thọ đã được nuôi dưỡng tình yêu nước, tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc. Năm 14 tuổi, ông bắt đầu tham gia cách mạng, 3 năm sau đã chính thức đứng trong hàng ngũ của Đảng và thành một chiến sĩ cộng sản.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, đồng chí Mai Chí Thọ trải qua nhiều gian khổ, từng bị địch bắt giam, đưa đến nhiều nhà tù, lâu nhất là ở Côn Đảo. Năm 1945, ông ra tù và bắt đầu hoạt động theo phân công của Đảng. Bất kể nơi nào ác liệt nhất, khó khăn nhất, phức tạp nhất, người đàn ông này đều có mặt và đóng góp lớn.
Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Mai Chí Thọ chính là người góp công xây dựng nên bộ máy tình báo và đội ngũ liên lạc với các nhà tình báo chiến lược hoạt động ngay trung tâm đầu não của địch. Xuyên suốt quá trình chống giặc, đồng chí Mai Chí Thọ đã đưa ra những đề xuất, chỉ đạo đúng đắn, giúp cho cuộc kháng chiến giành được thắng lợi.
Chiến tranh kết thúc, đồng chí Mai Chí Thọ được bầu làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ (nay là Thứ trưởng thường trực Bộ Công an) vào tháng 11/1986. 3 tháng sau, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ bộ trưởng. Đến tháng 5/1989, đồng chí trở thành đại tướng đầu tiên của Công an nhân dân Việt Nam.
Nói đến đồng chí Mai Chí Thọ, không thể không kể đến những cống hiến to lớn của ông trong việc đưa TP.HCM hồi sinh, đổi mới. Khi làm lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân TP.HCM, ông đã giải quyết những vấn đề cấp bách của thành phố sau giải phóng. Người đàn ông này gây ấn tượng với nhân dân khi dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cũng nhờ vậy mà đời sống người dân nhanh chóng được ổn định, nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhanh chóng phục hồi, an ninh trật tự cũng được gìn giữ.
Trong xây dựng lực lượng công an, đồng chí Mai Chí Thọ luôn coi trọng phẩm chất đạo đức, văn hóa ứng xử, bản lĩnh của cán bộ chiến sĩ công an trước các hoàn cảnh, đối tượng. Ông luôn nhắc nhở các cán bộ chiến sĩ phải đề cao học tập qua nhiều hình thức, không có lĩnh vực nào công an đứng ngoài cuộc. Việc thiếu kiến thức có thể sẽ dẫn đến sai lầm khi thi hành công vụ.
Đặc biệt, vị cựu Bộ trưởng Công an từng lưu ý các cán bộ chiến sĩ công an đừng để rơi vào hai loại quan liêu khi có quyền lực trong tay. Một là, quan liêu vất vả, làm việc đầu tắt mặt tối nhưng hiệu quả rất thấp, không nắm được tình hình để sự việc tiêu cực xảy ra rồi mới biết. Hai là, quan liêu hách dịch, thường thể hiện người có quyền lực, tiếp xúc với dân kém văn hóa, thiếu trách nhiệm.
Năm 1991, đồng chí Mai Chí Thọ về nghỉ hưu và sống tại TP.HCM. Ông tập trung viết hồi ký, tham gia các hoạt động xã hội. Ngày 28/5/2007, vị cựu Bộ trưởng Công an qua đời. Ngày diễn ra lễ viếng của ông, nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước cùng người dân Việt Nam đã có mặt. Sau này, tên của ông được đặt cho nhiều tuyến phố tại TP.HCM, Hà Nội.